Sát hại động vật hoang dã, vật nuôi: Sai lầm gắn với cái ác!

Không chỉ xót thương các loài động vật hoang dã bị tận diệt mà còn có nhiều người cho rằng ăn thịt thông thường như thịt heo, thịt bò, thịt gà cũng là điều sai lầm vì nó gắn với luân lý của cái ác.

Cách nay khá lâu, tôi đọc được lá thư của một sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM tham gia cuộc thi do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tổ chức. Đề tài của cuộc thi “Hãy tưởng tượng bạn là một loài động vật hoang dã sắp bị tuyệt chủng vì bị con người sử dụng trái phép, hãy viết một bức thư kêu gọi loài người bảo vệ bạn”. Lá thư dự thi của bạn sinh viên tên Nguyễn Hữu P. có nội dung như sau:

Gửi tê giác,

Mới ngày nào biết tin mày bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện gần tháng trời không bớt, tao lo lắm. Không biết làm gì để giúp mày, thì nghe bọn Hổ nói là mũi người “quý hiếm” tốt lắm, có thể trị được bách bệnh cơ. Thế là tao nhờ bạn ở tận bên châu Mỹ đi săn người ở tận bên Trung Quốc về cắt mũi xay sinh tố trị bệnh cho mày. Vậy mà bớt không thấy bớt, nay mày đã xanh cỏ dưới nấm mồ kia. Thôi, mày cũng đừng nên tiếc nuối cái thế gian này làm chi nữa. Món thịt người đặc sản, mày cũng nếm qua rồi còn gì.

An nghỉ nhé bạn của tao.

Ký tên: Voi

Thả nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm về rừng tự nhiên. Ảnh: TL

Thả nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm về rừng tự nhiên. Ảnh: TL

Tác dụng của lá thư khi người ta đọc chẳng khác như khi xem bức biếm họa. Xem biếm họa, đầu tiên người ta thấy tức cười sau đó cảm thấy “nhột” vì chứng kiến một thói xấu của con người được bày ra. Còn đọc xong lá thư ngắn trên, ta cũng bật cười trước, sau đó cảm thấy ngượng ngùng vì mình cũng là con người mà lá thư đề cập kia mà.

Hình thức là hài hước nhưng nội dung của lá thư nêu lên một thực trạng hết sức đau xót: Con người tự hào là thông thái đã, đang và có thể vẫn luôn tìm cách săn lùng và tận diệt động vật hoang dã. Con người giết động vật hoang dã vì chúng là thức ăn cao cấp nhằm thỏa mãn khẩu vị thịt càng lạ càng hấp dẫn. Hơn nữa, chúng còn là nguồn cung cấp những vị thuốc mà tác dụng nhiều khi không có thực: sừng tê giác, mật gấu, mật và thịt rắn hổ mang chúa để chữa bệnh loại “khó nói”, hay làm bùa hộ mệnh kiểu như lấy ngà voi, đuôi voi, vuốt cọp… đeo trên người nhằm phục vụ nhu cầu mê tín.

Con người không chỉ đã và đang giết hại hàng loạt thú rừng như hổ, voi, rắn, nai… phục vụ cho nhu cầu ăn uống gọi là “thể hiện đẳng cấp” mà còn hằng ngày, hằng giờ bức tử những thú vật nuôi thuần hóa từ lâu xem như bạn là chó, mèo chỉ nhằm “khoái khẩu”.

Tệ nạn giết hại những loài tự nhiên, hoang dã và cả thú cưng nuôi ở nhà, để làm thực phẩm xảy ra gần như toàn cầu. Ở Trung Quốc, nhiều nơi có câu nói ám chỉ khẩu vị xem ra khá kỳ dị là “ăn bất cứ thứ gì bốn chân ngoại trừ cái bàn”. Đáng lý họ phải nói “ăn bất cứ thứ gì hai chân ngoại trừ con người và ăn bất cứ thứ gì bốn chân ngoại trừ cái bàn” nhưng có nơi ở nước họ, người ta ăn ngon lành thai nhi được lấy từ phụ nữ phá thai để bổ dưỡng nên họ phải nói gọn hơn – chỉ nói thứ bốn chân - cho sát với sự thật chăng?

Ngoài phục vụ cho nhu cầu ăn uống, con người còn giết hại các sinh linh khác nhằm phục vụ cho nhu cầu thể hiện đẳng cấp của mình. Nhiều người cho rằng con người là động vật cấp cao, thông minh nhất trên quả đất này nên được phép ăn thịt mọi loại động vật khác. Theo nguyên lý sinh vật ở bậc cao sẽ lấy sinh vật ở bậc thấp làm thức ăn cho mình. Nhưng bên cạnh đó vẫn có người nghĩ theo chiều hướng khác.

Đó là không chấp nhận số lượng chân và lớp lông trên da khác với người là lý do chính đáng để bắt một sinh vật cũng biết đau đớn phải chịu số phận làm thức ăn cho con người. Lá thư hài hước nêu lên ở phần đầu là ví dụ của khuynh hướng khác này. Chắc chắn sinh viên Nguyễn Hữu P. đã có suy nghĩ rằng con cháu của anh một ngày nào đó chẳng còn nhìn thấy con tê giác sống động nữa nên mới viết lá thư hài hước đó.

Không chỉ xót thương các loài động vật hoang dã bị tận diệt mà còn có nhiều người cho rằng ăn thịt thông thường như thịt heo, thịt bò, thịt gà cũng là điều sai lầm vì nó gắn với luân lý của cái ác.

Đúng là một sự thật đã xảy ra là trong thời tiền sử ăn lông ở lỗ, con người nếu không ăn thịt thú vật thì sẽ chết do không có lựa chọn nào khác, giống như sư tử, cọp… phải săn mồi vì nếu không chúng sẽ chết, con người cũng phải săn thú để làm thức ăn cho mình. Còn trong xã hội ngày nay, con người vẫn có thể tồn tại nếu họ không ăn thịt thú vật. Như vậy ăn thịt thú vật là một lựa chọn chứ không nhất thiết là điều kiện sinh tồn.

Rõ ràng là thật cần thiết duy trì và nhân rộng ra ý tưởng bảo vệ động vật hoang dã và vật nuôi dưới mọi hình thức và trên toàn cầu.

PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sat-hai-dong-vat-hoang-da-vat-nuoi-sai-lam-gan-voi-cai-ac-36514.html