Sạt lở bờ biển làm mất hơn 5.200 ha đất rừng của tỉnh Cà Mau
Hằng năm, bờ biển Tây tỉnh Cà Mau luôn chịu tác động tiêu cực của mưa bão. Có những năm, triều cường dâng cao, nước biển tràn qua đê, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người dân.
Những ngày này, người dân ở khu vực cửa biển Kênh Mới (xã Khánh Hải) và khu vực cửa Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn thời, Cà Mau) thường thấy nhiều cơ giới, nhân lực tiến hành thi công nâng cấp, sửa chữa kè biển ban đêm. Người dân khu vực này vui mừng vì điều đó. Bởi, đây là 2 vị trí sạt lở xung yếu, vào mùa mưa bão năm 2020 và 2022, triều cường dâng cao hơn kè, sóng biển lùa vào trong cuốn đi tài sản của rất nhiều hộ dân. Đặc biệt, nước mặn đã tràn qua đê, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 26.000 ha đất sản xuất lúa và đê biển cũng có nguy cơ bị vỡ.
“Bà con nhân dân ở đây rất mừng, đầu tiên là nước mặn không vào được vùng ngọt hóa. Bà con bên trong đê sống không lo ngại nước biển dâng, tràn ngập đồng ruộng, nhà cửa ảnh hưởng tài sản, tính mạng của mình. Đó là niềm vui với bà con, người dân ở địa phương”, anh Phạm Văn Tuyền, người dân địa phương chia sẻ.
Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tiến hành nâng cấp, sửa chữa khẩn cấp 3 đoạn kè biển gồm: bờ Nam cống Kênh Mới, bờ Nam cửa Đá Bạc và bờ Bắc vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) từ cao độ 1.3 lên 2.0. Đây là những vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng của tỉnh Cà Mau, không còn rừng phòng hộ che chắn bên ngoài. Cao điểm mùa mưa bão hàng năm chuẩn bị đến nên việc đẩy nhanh thi công, kể cả ban đêm để kịp tiến độ đang được thực hiện.
“Có những thời điểm sóng gió đến sớm và kéo dài, với mùa gió chướng nước lên thì ảnh hưởng tới điều kiện thi công. Chúng tôi sẵn sàng huy động nhân lực, máy móc, trang thiết bị để tập trung thi công, đảm bảo tiến độ đưa ra. Chúng tôi sắp xếp thời gian, đẩy nhanh thi công vào thời điểm mực nước thấp. Sáng sớm có thể triển khai làm ngay, buổi chiều khi nước lên cao ảnh hưởng thi công thì phải tạm dừng”, ông Nguyễn Văn Tuyển, đơn vị đang thi công kè bờ cho biết.
Bờ biển Tây Cà Mau dài 147 km. Trong đó, 107 km đã có đê biển. Trên tuyến này có nhiều vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã được đầu tư hơn 58 km kè bên ngoài để giảm tác động sóng và gây bồi, tạo bãi trồng rừng.
Theo ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, trước tác động của biến đổi khí hậu, cao độ triều cường đã cao hơn rất nhiều nên nhiều đoạn kè đã không còn phát huy được hiệu quả phá sóng như trước. Việc nâng cấp, sửa chữa kè không chỉ trực tiếp bảo vệ đê mà còn là bảo vệ tính mạng, tài sản của khoảng 26.000 hộ dân sống trong đê. Các lực lượng chức năng, cùng đơn vị thi công đang thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
“Để chống sạt lở bên trong phía đê biển, hiện Hạt Quản lý đê điều phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công. Hằng ngày, nếu điều kiện gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, sóng lớn mới tạm ngừng còn sóng tạm lắng, tạm ổn thì luôn động viên anh em để đảm bảo đúng tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời trước khi mùa mưa bão diễn biến phức tạp”, ông Đông cho hay.
Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài 254km. Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển đã làm mất hơn 5.200 ha đất rừng của tỉnh. Tình hình sạt lở phức tạp ở cả bờ biển Đông và Tây. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển Tây của Cà Mau khẩn cấp hơn vì có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ngọt hóa và nhiều cụm dân cư tập trung đông.