Sạt lở bủa vây các tỉnh miền Tây
Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hàng ngàn hộ dân.
Ngày 29/7, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến sông Cái Côn đoạn qua ấp Hòa Thành (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ông Lê Ngọc Lâm, một người dân địa phương cho biết vụ việc xảy ra lúc 3 giờ sáng, làm một phần căn nhà của con gái ông bị nhấn chìm, ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng. “Ban đêm cả nhà phải xuống ghe ngủ vì không biết sạt lở xảy ra lúc nào, cứ thấp thỏm”, ông Lâm kể.
Tình trạng khẩn cấp
Ông Phạm Hải Hoàng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 20m và ăn sâu đất liền khoảng 10m, cắt đứt một đoạn đường giao thông nông thôn khiến khoảng 1.000 hộ dân, bị cô lập hoàn toàn. Theo ông Tâm, mực nước năm nay thấp hơn so với mọi năm, sự thay đổi dòng chảy, nước xoáy mạnh, bờ bao xuống cấp là nguyên nhân gây ra sạt lở.
Cũng trong ngày 29/7, tại đê Bắc kênh Cái Sắn thuộc ấp Hòa Tây B (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã xảy ra sạt lở với chiều dài 35m, ăn sâu vào mặt đường giao thông nông thôn 3m và có dấu hiệu sạt lở kéo dài thêm. Trước đó, ngày 27/7 trên quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) xuất hiện vết nứt khoảng 100m, có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu. Nguyên nhân được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 2 căn nhà và 2 lều quán.
Hồi cuối tháng 6, UBND tỉnh An Giang ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại đê Bắc kênh Xáng, xã Tân An thuộc đê chống lũ vùng Đông kênh Bảy Xã, thị xã Tân Châu.
Hàng chục ngàn hộ dân cần di dời
Ngày 30/7, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở sông Tiền và đề xuất giải pháp, hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) với tổng kinh phí 90 tỷ đồng, hỗ trợ 60 tỷ đồng thực hiện dự án kè Hổ Cứ (xã Hòa An, TP Cao Lãnh) và 657 tỷ đồng xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn tỉnh để bố trí ổn định cho hơn 2.400 hộ dân nằm trong vùng sạt lở.
Tại Hậu Giang, từ đầu năm đến nay xảy ra 36 điểm sạt lở (tăng 16 điểm so cùng kỳ), tổng chiều dài hơn 840m, diện tích mất đất hơn 4.000m2, ước tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Toàn tỉnh có gần 10.000 hộ dân đang sinh sống dọc các con sông, kênh, rạch. Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp, đặc biệt tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A và Long Mỹ.
Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh, tình trạng khai thác cát lòng sông, việc xây nhà, kho bãi tập trung trên bờ sông, tàu bè qua lại... là những nguyên nhân chính gây ra sạt lở. Địa phương này cũng đã xây dựng đề án di dời khoảng 800 hộ dân tại khu vực thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, là điểm nóng về sạt lở thời gian qua.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/sat-lo-bua-vay-cac-tinh-mien-tay-1450187.tpo