Sạt lở đất - Nguy cơ luôn chực chờ!

Bên cạnh động đất, núi lửa, lũ lụt, sạt lở đất là thảm họa có sức phá hủy rất lớn và gây ra nhiều hậu quả tang thương.

Công tác tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa sạt lở đất tại Papua New Guinea. (Nguồn: AFP)

Công tác tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa sạt lở đất tại Papua New Guinea. (Nguồn: AFP)

Trong suốt tuần qua, người dân ở Yambeli và Lapak (Papua New Guinea) không biết đã phải đào bới bao nhiêu tấn đất để tìm những nạn nhân bị chôn vùi trong vụ lở đất ngày 24/5.

Thảm họa xảy ra vào khoảng 3h sáng tại làng Kaokalam, thị trấn Porgera của tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby gần 600 km về phía Tây Bắc. Một phần đất đá của núi Mungalo đã đổ xuống, vùi lấp nhiều ngôi nhà.

Bà Elizabeth Laruma, người đứng đầu một hiệp hội doanh nghiệp ở thị trấn Porgera cho biết, những ngôi nhà trong làng bị đè bẹp khi sườn núi lở và sập xuống. Thảm kịch xảy ra vào thời gian ngủ nên nhiều người không kịp thoát thân.

Cả một ngôi làng đã bị chôn vùi dưới đất, đá trong trận sạt lở. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, nguồn nước hiện đã bị ô nhiễm, chưa có biện pháp nào được triển khai để xử lý nên có nguy cơ xảy ra dịch tiêu chảy và sốt rét.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho hay, khoảng 2.000 người đã thiệt mạng. Sự kiện có khả năng trở thành một trong những vụ lở đất nghiêm trọng nhất thế giới trong nhiều năm qua.

Những thảm họa bi thương

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (BGS) định nghĩa: Sạt lở đất là sự dịch chuyển khối lượng lớn vật chất (như đất, đá hoặc mảnh vụn) xuống một độ dốc. Khi trọng lực tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản của sườn dốc, sườn dốc sẽ bị trượt và xảy ra sạt lở.

Sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, do cả nguyên nhân tự nhiên và tác động của con người.

Tại Indonesia ngày 12/5, người đứng đầu lực lượng cứu hộ tỉnh Tây Sumatra, ông Abdul Malik cho biết, mưa lớn gây lũ lụt và lở đất đã khiến 28 người thiệt mạng và bốn người nữa mất tích, hiện đang được các cơ quan chức năng tìm kiếm.

Trước đó, ở nước này đã xảy ra một vụ lở đất xảy ra ở Tana Toraja thuộc tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia vào đêm 13/4 làm 15 người thiệt mạng và hai người mất tích.

Cảnh sát trưởng địa phương Gunardi Mundu cho biết, mưa lớn làm xói mòn, khiến bùn đất sạt lở từ những ngọn đồi xung quanh đã vùi lấp bốn ngôi nhà tại Tana Toraja trong đêm.

Cũng có thể kể đến một số vụ sạt lở đất thảm khốc khác trên thế giới.

Ngày 25/1/2019, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao ở bang Minas Gerais, phía Đông Nam của Brazil bị vỡ làm tràn hàng nghìn m3 bùn và nước xuống vùng dân cư xung quanh, khiến 270 người thiệt mạng. Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil đã phạt chủ công trình là tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên.

Ngày 6/1/2019, vụ sập hầm đào vàng ở tỉnh Badakhshan, khu vực Đông Bắc Afghanistan khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Nguyên nhân là người dân địa phương đào một hầm sâu khoảng 60m gần bờ sông để tìm vàng và khi hầm bị sập, có rất nhiều người đang ở bên trong. Vụ việc được tính là sạt lở đất do yếu tố con người gây ra.

Ngày 14/8/2017, ít nhất 312 người thiệt mạng trong một trận lở đất ở chân núi Sugar Loaf, tại thị trấn Regent, ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone. Vụ lở đất cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản và khiến người dân địa phương vô cùng hoảng loạn.

Ngày 25/12/2015, vụ lở đất tại thị trấn Hpakant, bang Kachin, khu vực trung tâm của ngành khai thác ngọc bích trị giá hàng tỷ USD của Myanmar, khiến ít nhất 116 người thiệt mạng.

Nepal xảy ra một vụ sạt lở đất vào tháng 8/2014, khiến 200 người chết và mất tích. Trước đó, vào tháng 5/2014, vụ sạt lở khủng khiếp tại Afghanistan gây ra cái chết cho hàng ngàn người.

Việt Nam từng gánh chịu nhiều vụ sạt lở đất, trong đó phải kể đến vụ sạt lở ở khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 11/10/2020, khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Ngày 12/10, tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã xảy ra sạt lở núi, vùi lấp 17 người. Quá trình tìm kiếm khi đó phát hiện sáu người thiệt mạng, 11 người còn mất tích.

Ngày 13/10/2020, sạt lở núi ở trạm bảo vệ rừng 67, làm vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Thi thể 13 quân nhân này được tìm thấy vào ngày 15/10/2020.

Nguyên nhân và giải pháp

Một trong những nguyên nhân khiến sạt lở đất dễ xảy ra hơn, là tác động của con người, cụ thể là việc chặt phá rừng đầu nguồn và hủy hoại các kênh mương thoát nước tự nhiên. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Ấn Độ, những việc làm này tác động rất mạnh lên lớp đất trên cùng, gây tổn hại cho nền đất và khiến sạt lở dễ xảy ra hơn rất nhiều.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những khu vực dễ bị sạt lở nhất gồm: nơi có địa hình dốc, như các khu vực thấp nhất của hẻm núi; vùng đất từng xảy ra cháy rừng; vùng đất bị biến đổi do hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng hoặc xây dựng; các con kênh dọc theo suối hoặc sông.

Các thống kê nhiều năm qua cho thấy, sạt lở đất đứng thứ bảy trong số các thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử loài người, sau hạn hán, lũ lụt, bão, dịch bệnh, động đất và núi lửa phun trào.

Sạt lở đất xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng thường ít được truyền thông chú ý như những thảm họa khác như lũ lụt, động đất, núi lửa... Các vụ sạt lở đất có quy mô rất đa dạng, và chúng thường gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Do vậy, cần nhận thức sâu sắc rằng sạt lở đất cũng là một thảm họa có sức phá hủy rất lớn và gây ra nhiều sự kiện tang thương.

Để phòng ngừa và hạn chế hậu quả thảm khốc của sạt lở đất, việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của con người trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn và bảo vệ những kênh thoát nước tự nhiên cần được chú trọng. Công tác trồng rừng, tái trồng rừng và kiểm soát xói mòn đất là các giải pháp quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, giải pháp khác bao gồm tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, thực hiện khảo sát địa chất, lập bản đồ các khu vực dễ bị sạt lở đất, tăng cường kiểm soát việc xây dựng công trình ở các khu vực có nguy cơ cao.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sat-lo-dat-nguy-co-luon-chuc-cho-274154.html