Sạt lở đất ở Tây Nguyên do mất rừng, bạt đồi núi
Các vị trí địa hình dốc cần thiết thực hiện mô hình rừng tự nhiên với nhiều loài, nhiều tầng tán; tạo ra nhiều tầng rễ, để giữ đất, không gây sạt lở, lũ quét.
Trước thực trạng nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên bị sạt lở, sụt lún đất, GS-TS Bảo Huy, chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên và môi trường rừng (FREM, từng công tác ở khoa Nông lâm Trường ĐH Tây Nguyên), đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về nguyên nhân, giải pháp.
. Phóng viên: Mất rừng có phải là yếu tố chính liên quan đến hiện tượng sạt lở, sụt lún đất… không, thưa ông?
+ GS-TS Bảo Huy: Biến đổi khí hậu liên quan đến gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển, nó gây ra hiện tượng nóng lên của Trái đất nói chung. Mất rừng đóng góp một phần quan trọng làm tăng khí CO2. Bởi phá rừng, đốt rừng sẽ phát thải khí CO2. Ngược lại, nếu nuôi dưỡng tốt thì sẽ hạn chế tích lũy khí CO2, làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Như vậy, có thể khẳng định mất rừng là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, mất rừng càng nhiều càng gia tăng biến đổi khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu cực đoan.
Theo tôi, cần phải có cảnh báo ở nhiều nơi đang có nguy cơ rất cao. Đó là việc con người tác động đến địa hình nhân tạo. Ví dụ, ở Tây Nguyên vùng cao, người ta thường bạt đồi núi để xây dựng nhà ở và các công trình khác. Đáng chú ý, phía sau lưng nhà đang ở là đồi núi thì nguy cơ chết chóc rất lớn.
Chúng ta có thể thấy điều này từ vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Trước hết, con người đã bạt một phần quả đồi, đất dốc để làm đường từ trước đó. Điều này đã dẫn đến làm thay đổi kết cấu tự nhiên vốn có của rừng đã tồn tại cả ngàn năm nay; đã cố định được địa chất cả bên dưới và bên trên.
Cho nên việc cảnh báo những ngôi nhà xây dựng hiện nay như ở TP Đà Lạt và một số nơi khác đã bạt đất nhưng đằng sau nhà là đồi đất là hết sức nguy hiểm.
. Trong thời gian tới, ông có lời khuyên gì đối với các tỉnh Tây Nguyên?
+ Vai trò quan trọng của rừng là một trong những tác nhân chống lại thiên tai, giúp điều hòa không khí, chống sạt lở…, cần thiết phải thực hiện phục hồi rừng tự nhiên.
Trên các vị trí địa hình dốc cần thiết thực hiện mô hình rừng tự nhiên với nhiều loài, nhiều tầng tán; tạo ra nhiều tầng rễ, mạng lưới rễ bên dưới lòng đất chằng chịt. Từ đó sẽ giữ đất tốt, không gây sạt lở, lũ quét, giữ nguồn nước. Vậy nên giải pháp lâu dài vẫn là phục hồi rừng tự nhiên trên các điều kiện địa hình và đặc biệt ở nơi xung yếu.
Không nên chuyển đổi rừng qua canh tác các loại cây công nghiệp, khu vực xung yếu (dốc lớn, ngắn thì phục hồi rừng tự nhiên). Không cần cây bản địa, mà phải phục hồi hệ thống sinh thái tự nhiên.
Mỗi năm Tây Nguyên mất 5.000-7.000 ha rừng
Ngày 7-8, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh khi quy hoạch cần chú ý đến các khu vực phòng, chống thiên tai, sạt lở. Tránh đầu tư các công trình gần khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở.
“Tây Nguyên bình quân mỗi năm mất 5.000-7.000 ha rừng và ngày càng giảm, cộng với chất lượng xuống cấp thì cực kỳ lo lắng… Địa phương cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý, phòng, chống thiên tai để cảnh báo những tình huống có thể xảy ra” - ông Hiệp nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/sat-lo-dat-o-tay-nguyen-do-mat-rung-bat-doi-nui-post745848.html