Sạt lở đất tại Tây Bắc: Làm gì để thích nghi?
Trong khi chờ các giải pháp toàn diện, tổng thể của các bộ, ban, ngành chức năng thì giải pháp hữu hiệu là mỗi người, mỗi nhà, mỗi xã, bản… cần phải chủ động phòng ngừa, thay đổi tập quán sinh sống và tư duy phát triển; kết hợp với vận dụng các biện pháp thích ứng phù hợp thì thiệt hại khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra... để chung sống an toàn.
LTS: Tháng 9/2024, sự xuất hiện của siêu bão Yagi – bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố nước ta.
Tại Tây Bắc, riêng 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã có 205 người chết và mất tích, hàng chục người khác bị thương, chủ yếu là do sạt lở đất; gần 30.000 nhà ở của người dân bị ngập lụt và sạt lở đất đá vào nhà. Cộng với các thiệt hại về nông nghiệp, hạ tầng giao thông, công trình công cộng… ước tính thiệt hại về kinh tế tới gần 13.000 tỷ đồng, chưa từng có trong lịch sử thiệt hại do thiên tai ở Tây Bắc.
Giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chủ yếu là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường sinh thái bị suy giảm.
Vẫn biết thiên tai khó lường và thường xảy đến bất ngờ, song thực tế cho thấy, nếu người dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng tránh, chủ động và sáng tạo trong ứng phó thì các thiệt hại sẽ giảm.
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, rạng sáng 10/9/2024 bất ngờ xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, làm 67 người chết và mất tích, xóa xổ gần 40 trong tổng số hơn 100 nhà ở của người dân trong thôn.
Hoàng Thị Chớ, người dân Làng Nủ chia sẻ: "Tôi chứng kiến từ đầu đến cuối. Sáng dậy tiếng nước lũ nó nổ, như tiếng máy bay trực thăng xuống thấp nó kêu ấy, xong cứ ụp xuống, không ai kịp chạy luôn".
"Tôi là Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ. Việc xảy ra như thế bản thân tôi cũng rất đau xót. Các ngôi nhà đó ở khu tập trung, bình yên, nhìn rất là đẹp, không ai có thể tưởng tượng được có thể bị vùi lấp như thế".
Trưa cùng ngày 10/9/2024, một vụ sạt lở ngoài sức tưởng tượng cũng đã xảy ra tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, khiến 8 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn, 18 người chết và mất tích. Ký ức kinh hoàng ấy vẫn ám ảnh tâm trí những người may mắn thoát nạn, trong đó có anh Lý Seo Khanh.
Anh Lý Seo Khanh nói: "Hôm đấy sáng trời mưa. Trưa mình ngủ một lúc xong thấy kêu bụp một phát, mình cũng nghĩ chỗ nào sạt hay sao, mình liền chạy ra ngoài xem thì thấy đống đất to ụp xuống, mình liền kêu anh em trong làng bảo đất sạt to quá phải chạy thôi, chạy nhanh lên! Mình nhìn vào trong khe thì thấy như quả bom, đất nổ tung lên, ụp xuống, nhà cửa bị vùi không thấy gì luôn".
Kể lại phút giây sinh tử, Bí thư chi bộ thôn Nậm Tông – ông Lù Seo Nương cũng chưa hết bàng hoàng: "Bình thường lũ nó theo khe suối, thì lúc đầu mình vận động những hộ ở gần khe suối thì di chuyển lên ở nhờ các nhà người thân ở cao hơn để an toàn. Nhưng đợt này nó lại không sạt theo như mình lường trước, nó lại sạt trái ngang như thế, thì có 8/15 hộ đã bị vùi lấp. May vào khoảng 13h30 chiều, chứ vào buổi tối thì cái làng này không còn...".
- Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 (bão YAGI) gây ra tại Lào Cai đã làm 151 người chết, mất tích, 50 người bị thương; hơn 6.700 ngôi nhà; hơn 170 trường học, trạm y tế bị ảnh hưởng; 4.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, cuốn trôi… Ước giá trị thiệt hại gần 6.700 tỷ đồng.
- Tại Yên Bái, hoàn lưu bão số 3 cũng làm 54 người chết, hơn 27.000 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó có 326 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 1.000 nhà hư hỏng nặng và gần 1.100 nhà phải di dời khẩn cấp… Tính tổng thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 5.700 tỷ đồng.
- Sau lũ, nhiều trẻ em mồ côi, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay do mất nhà cửa, cùng toàn bộ tài sản, hoa màu, gia súc gia cầm… phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để vực dậy, vươn lên.
Các chuyên gia đánh giá, ngoài tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường sinh thái bị suy giảm thì nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở, lũ quét tại Lào Cai, Yên Bái, cũng như các tỉnh Tây Bắc là do các yếu tố địa hình, địa chất, cộng với sự kích hoạt mạnh của những đợt mưa lớn sau bão. Và, việc ngăn lũ quét, sạt lở đất là điều không thể. Chính vì thế, cốt lõi là cần phải biết chủ động ứng phó và chung sống an toàn trước thiên tai, bởi thực tế cho thấy ở nơi nào người dân chủ động, sáng tạo trong ứng phó với mưa lũ, thì thiệt hại sẽ giảm rất nhiều.
Chị Hầu Thị Hoa, thôn Kho Vàng chia sẻ: "Mưa to quá, trưởng thôn bảo là cùng nhau đi xem nó có bị gì không, thế là cùng nhau đi. Xem xong thấy vết nứt thì trưởng thôn bảo phải di chuyển đi thôi, làm lều ở tạm mấy hôm nếu không sao thì mới quay lại".
Chị Hạng Thị Say, thôn Kho Vàng chia sẻ: "Lúc đấy sạt lở rất là nhiều nơi. Cả đêm không ngủ được, sợ bị sạt, mà ở làng thì rất là dốc. Nền nhà đã bị tràn nước đầy trong nhà luôn, chỉ là nó chưa sạt xuống thôi... Sợ quá, nên khi trưởng thôn và các anh em bảo là di chuyển luôn, không dám ở".
Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã quyết định dứt khoát để bảo vệ toàn bộ 115 nhân khẩu của thôn trước nguy cơ sạt lở xảy ra ngày 9 và 10/9 vừa qua như thế.
"Lúc đấy mất sóng, mất điện hoàn toàn, không liên hệ được với xã vì máy hết pin, không có điện để sạc nên không gọi được đi đâu. 2 ngày đấy mưa to, phía đối diện thôn ở bên kia sông xảy ra sạt lở rất nhiều, bọn em nhìn thấy quả đồi sạt lở vùi lấp nhà máy thủy điện, bọn em sợ quá mới cùng nhau lên đồi kiểm tra thì mới phát hiện trên đỉnh đồi có vết nứt dài", trưởng thông Ma Seo Chứ nhớ lại.
Giây phút quyết định “gánh” cả thôn lên đồi cao tránh trú được vị trưởng thôn tuổi 33 Ma Seo Chứ nhớ từng chi tiết như chuyện mới ngày hôm qua.
"Lúc phát hiện ra là khoảng 9h. Mấy anh em bảo nhau là mình đã phát hiện vết nứt thế rồi thì cứ chủ động lên dựng lán trước, sau đó về thông báo, vận động tất cả mọi người thì ai cũng đồng tình. Thế là mọi người cùng nhau lên rừng chặt tre, dựng lán trên đồi chỗ bằng bằng trên đó. Vì bà con làm nông nên nhà nào cũng có sẵn bạt (vốn để lúc gặt thì đập lúa), đến 4h chiều thì hoàn thành tất cả các nhà trên đó. Mọi người cũng bảo nhau là quần áo đồ đạc cứ để đấy, chủ yếu mọi người di chuyển người trước đã", anh Ma Seo Chứ cho biết.
Những ngày sau, khi trời ngừng mưa, qua thực địa, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xác định nơi ở cũ của 17 hộ dân thôn Kho Vàng không thể ở vì các nết nứt phía trên có thể ụp xuống bất cứ lúc nào. Vì thế, bà con được đưa xuống ở lán tạm gần trụ sở xã và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, cũng như việc học tập của con trẻ cho đến khi khu tái thiết được hoàn thiện.
Theo Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu – Nguyễn Văn Tuấn, chính sự chủ động, quyết đoán và dấn thân của trưởng thôn Kho Vàng đã bảo vệ cho nhóm 17 hộ, với 115 nhân khẩu an toàn trong mưa bão.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Sự chủ động, phương châm 4 tại chỗ hết sức quan trọng. Chúng tôi chỉ đạo lực lượng tại chỗ là thôn nào ứng cứu ở thôn đó. Khi có tình huống xảy ra các thôn phải chủ động, kể cả không liên lạc được phải đảm bảo an toàn nhất cho bà con".
Kinh nghiệm và kiến thức của người dân bản địa trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất là cực kỳ quan trọng. Chứng kiến các vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn sau bão số 3, ông Hoàng Quốc bảo, Bí thư huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng khẳng định: "Cái này đã được truyền miệng, truyền đời nên bà con biết được năm nào con ong chủ động làm tổ trên cao thì năm đó mưa lũ sẽ nhiều; hoặc năm nào một số loại quả, như quả dâu gia đất sai quả thì năm đó sẽ mưa lũ nhiều. Qua đó, bà con hoàn toàn có thể nắm được để chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất".
Nghĩ lại thời khắc lũ xoáy sầm sập đổ về, khiến mặt đất rung chuyển, cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi trong trận lũ kinh hoàng xảy ra đêm mùng 2, rạng sáng ngày 3/8/2017, nhiều người dân ở bản Huổi Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La vẫn thấy mình thật may mắn khi kịp chạy thoát khỏi cơn lũ dữ.
"Tôi năm nay hơn 70 tuổi nhưng chưa thấy nước to thế bao giờ, cứ nghĩ sẽ bình thường như mọi khi. Đến lúc nước to quá thì cuống không biết phải làm gì nữa. May lúc đấy thấy trưởng bản thông báo loa là chạy nhanh lên, không lấy đồ gì, chạy lấy người thôi thế mới biết bảo nhau chạy, nên mới thoát được.
Anh Cà Văn Biên, trưởng bản Huổi Nặm khi ấy, là “tác giả” của những tiếng gọi từ chiếc loa cầm tay đã cứu được cả bản trong cơn “đại hồng thủy” đó cho biết, không nghĩ đến hiểm nguy, trong đêm tối, anh chỉ biết cầm loa chạy khắp bản kêu gọi, mong mọi người cùng chạy thật nhanh lên núi, thoát khỏi dòng lũ dữ.
"Lúc ấy chỉ nghĩ phải làm cách nào thông báo cho mọi người cùng chạy nhanh nhất thôi, chứ không kịp suy nghĩ nhiều. Sau khi tôi thông báo loa thì bà con bắt đầu chạy nhanh nhất có thể, mọi người vừa chạy vừa khóc, lúc đấy nước cũng ngập đến trên đầu gối rồi. Đến khoảng 5 giờ sáng, tôi cùng đồng chí công an viên và đồng chí dân quân đi dọc theo bản để hỏi xem có ai bị mất người để còn tìm kiếm, thì được mọi người báo là không có ai bị mất", anh Cà Văn Biên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Mường La, chính sự sáng tạo, dũng cảm vì cộng đồng của anh Cà Văn Biên đã giúp hàng trăm người kịp chạy thoát lên đồi cao; cả bản chỉ có 1 người bị thương. Chiếc loa cầm tay vốn được huyện trang bị, chủ yếu để các trưởng bản thông báo khi họp bản. Thế nhưng, trong tình huống khẩn cấp của trận lũ lịch sử xảy ra hôm ấy, trưởng bản Huổi Nặm Cà Văn Biên đã rất sáng tạo khi dùng chiếc loa này chạy khắp bản thông báo về sự nguy hiểm để bà con kịp chạy thoát thân.
Ông Tâm khẳng định, hiệu quả thực tế tại Nậm Păm cho thấy, mô hình loa cầm tay - phương tiện thông tin trong ứng phó với mưa lũ là phù hợp với nhiều xã, bản ở các địa phương Tây Bắc và rất cần được nhân rộng.
"Khi lũ ống, lũ quét xảy ra thì toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc đều bị ách tắc, lúc đó chỉ còn loa cầm tay là cái duy nhất để bà con có thể thông báo cho nhau để biết lên chỗ cao nhất để tránh nạn. Sau trận lũ ở Nậm Păm thì tỉnh và trung ương cũng đã thấy tác dụng của loa cầm tay và đó có thể là kịch bản để áp dụng vào thực tiễn trong phòng chống thiên tai ở miền núi", ông Ông Nguyễn Văn Tâm nói.
- Ngoài sự chủ động của mỗi người thì các địa phương cũng cần phải làm tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc theo dõi, giám sát các nguy cơ sạt lở ở các khu dân cư, bởi khi có bất trắc xảy ra, việc cảnh báo qua ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần việc thúc giục nhau bằng miệng như truyền thống.
- Theo tính toán, mỗi bản tin được cảnh báo bằng khoa học công nghệ chỉ cần có 300 người theo dõi, thì sau đó sẽ lan tỏa đến hàng chục ngàn người khác. Trong đó, công tác quan trắc, dự báo thiên tai muốn tốt thì cần phải có một nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến và đủ mạnh.
- Thực tế trong cơn bão số 3 vừa qua, hạ tầng thông tin ở nhiều địa phương bị đứt gãy, không thể hoạt động, nên mọi công tác chỉ huy, ứng phó chỉ dựa vào sức người và sự linh hoạt, quyết đoán của đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có các trưởng thôn, bản.
Tuy nhiên, để trưởng thôn, bản làm tốt việc phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và kịp thời thông tin, cảnh báo, hỗ trợ cộng đồng trong ứng phó với lũ quét, sạt lở đất hiệu quả, họ rất cần được tập huấn kiến thức, cũng như đầu tư các thiết bị cần thiết. Trưởng thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai Hoàng Văn Diệp và trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bảo Yên (Lào Cai) Ma Seo Chứ bày tỏ: "Mong muốn của tôi là được Đảng, chính quyền tạo điều kiện cấp thiết bị cho, có thể là kẻng hoặc loa chẳng hạn để những lúc mưa bão, chúng em có thiết bị để đi tuyên truyền, vận động bà con, kể cả đèn pin nữa, đi đêm phải có đèn pin mới đi được, không có những thứ đấy thì sẽ rất khó khăn".
"Kinh nghiệm mình có, mình biết thì mình vẫn thường bảo giúp bà con. Nhưng để đảm bảo việc phòng chống bão lũ thì cũng phải thường xuyên được tập huấn về các tình huống có thể xảy ra. Hai là cũng cần phải có các vật dụng như áo phao, đèn pin… trong khi mình đi thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại tôi cũng chưa được tiếp cận các vật dụng này", anh Hoàng Văn Diệp chia sẻ.
Một tin rất vui, khi Bộ GD & ĐT đã có chỉ đạo về việc xem xét, đưa nội dung phòng tránh thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao kỹ năng phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho chính đội ngũ thầy cô giáo, học sinh và đông đảo phụ huynh học sinh, như bà Trịnh Thị Kim Chi – Thứ trưởng Bộ này cho biết.
"Thiên tai chúng ta không thể chống lại được, nhưng con người là chúng ta phải bảo vệ số 1, lúc đó là phải chạy. Thoát như thế nào thì công việc này các nhà trường phải làm. Trong chương trình giáo dục phổ thông, trong các môn tích hợp về GDCD, về kiến thức pháp luật, về lịch sử, văn học, địa lý… phải yêu cầu giáo viên đưa nội dung kiến thức về công tác phòng ngừa thiên tai, về nguy cơ và cách phòng tránh vào. Điều đó rất quan trọng cho con em chúng ta", Thứ trưởng Trịnh Thị Kim Chi cho biết.
Nội dung này cũng chính là một trong 5 bài học trong công tác ứng phó với thiên tai mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, diễn ra vào sáng 28/9 vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh "phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, của nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động mọi nguồn lực trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Đặc biệt là phải coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến kỹ năng trong quá trình phòng chống và khắc phục hậu quả các trận bão lũ này. Chúng ta phải bám rất sát tình hình, phải quyết đoán và có các giải pháp phù hợp".
Thống kê trên toàn thế giới, thảm họa thiên tai đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, với hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm tích cực là số ca tử vong liên quan các thảm họa này đã giảm gần 3 lần, từ mức hơn 50.000 ca mỗi năm trong những năm 70 của thế kỷ trước xuống dưới 20.000 ca trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, chính những cải tiến đáng kể trong hệ thống cảnh báo sớm, cùng sự chủ động ứng phó của người dân và cộng đồng đã góp phần quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, khi hệ thống cảnh báo thiên tai ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và đặc biệt là chưa có chức năng cảnh báo theo thời gian thực. Mới chỉ có một số dự án nhỏ với quy mô dự báo, cảnh báo ở cấp độ cơ sở như xã, phường.
Mặt khác, trong cảnh báo sạt lở, hiện Việt Nam vẫn dùng bản đồ tỷ lệ 1/50.000 đã được lập từ hàng chục năm trước, trong khi thông thường những bản đồ này cần phải được cập nhật lại sau 3-5 năm. Do đó, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là chưa cảnh báo được từ sớm, từ xa.
Chính vì vậy, trong khi chờ các giải pháp toàn diện, tổng thể của các bộ, ban, ngành chức năng thì giải pháp hữu hiệu là mỗi người, mỗi nhà, mỗi xã, bản…cần phải chủ động phòng ngừa, thay đổi tập quán sinh sống và tư duy phát triển; kết hợp với vận dụng các biện pháp thích ứng phù hợp thì thiệt hại khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra có thể được kiểm soát và người dân có thể chung sống an toàn trước thiên tai.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sat-lo-dat-tai-tay-bac-lam-gi-de-thich-nghi-post1126670.vov