Sạt lở, mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi

Mưa lớn đã gây sạt lở núi, chia cắt nhiều tuyến giao thông tại huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 6-11, ông Trần Hoàng Vĩnh, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thông tin trên.

Theo đó, tuyến đường qua xã Trà Thanh và Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) do mưa lớn kéo dài đã xuất hiện một điểm sạt lở lớn khi nước từ đỉnh núi chảy xuống phía dưới, kèm theo nhiều đất đá. Ngoài ra, tại nhiều vị trí của tuyến đường này, dòng nước đục từ trên các đỉnh núi liên tục chảy xuống khiến người dân qua lại bất an.

Điểm sạt lở tại đường nối qua xã Trà Thanh và Trà Hiệp, huyện Trà Bồng. Ảnh: T.Đ

Điểm sạt lở tại đường nối qua xã Trà Thanh và Trà Hiệp, huyện Trà Bồng. Ảnh: T.Đ

Nhận thấy những điểm này có thể tiếp tục sạt lở, chính quyền địa phương cử lực lượng ứng trực, tạm thời không cho người dân qua lại. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra, lên phương án xử lý lượng đất đá sạt lở để thông đường.

Mưa lớn cũng làm cầu tràn Thạch Nham trên tuyến tỉnh lộ 623B qua huyện Tư Nghĩa ngập sâu. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người dân qua lại.

Lực lượng chức năng cấm phương tiện lưu thông qua cầu tràn Thạch Nham

Lực lượng chức năng cấm phương tiện lưu thông qua cầu tràn Thạch Nham

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, 2 ngày qua, tại tỉnh này có mưa lớn. Riêng lượng mưa tại huyện Trà Bồng lên đến 300 mm. Mưa lớn cộng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước ở các sông, suối lên nhanh. Hiện mực nước trên các sông giao động mức báo động 1, báo động 2.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất.

Các địa phương chủ động di dời, sơ tán người dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền cho đến khi thời tiết ổn định.

T.Trực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sat-lo-mua-lon-chia-cat-nhieu-tuyen-duong-o-quang-ngai-196241106163756158.htm