Sạt lở nhiều nơi đe dọa đến an toàn và tài sản người dân
Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình sạt lở đê sông, đường đal diễn biến phức tạp. Nhiều tuyến đường ven sông bị sạt lở lấn sâu vào đất liền, gây thiệt hại đến nhà cửa, công trình hạ tầng và cản trở việc lưu thông, đe dọa đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, nhất là ở các địa phương ven sông, ven biển có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, như: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu, làm nhiều đoạn đê sông, đường đal bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ước tính, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 khu vực có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài gần 40.000m.
Tuy các vụ sạt lở xảy ra gần đây không thiệt hại về người nhưng các công trình nhà ở, đường giao thông, trụ điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng tại huyện Kế Sách, 7 tháng đầu năm 2019, đã có 61 đoạn sạt lở với tổng chiều dài trên 1.600m, ước tổng thiệt hại khoảng 3,9 tỉ đồng. Ngoài ra, sạt lở còn làm thiệt hại 11 căn nhà của người dân ở các xã: Ba Trinh, Nhơn Mỹ, An Mỹ, Thới An Hội và Xuân Hòa. Nguy hiểm hơn, trước khi xảy ra sạt lở thì những điểm này hoàn toàn không có dấu hiệu rạn nứt mặt đường. Các đoạn đê hay tuyến đường đal tưởng chừng như khá chắc chắn bỗng dưng bị sạt lở, lấn sâu vào sát nhà khiến nhiều người dân ngỡ ngàng và không có giải pháp phòng ngừa trước.
Gần đây, vào khuya ngày 1-8, ở xã An Mỹ (Kế Sách), tuyến đê sông tại ấp Phụng An đã bị sạt lở dài hơn 30m, lấn sâu vào đất liền khoảng 10m, làm nhà của 1 hộ dân sinh sống tại đó bị sạt hết phần sân xuống sông An Mỹ, căn nhà chính cũng đang có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào vì đang vào mùa mưa cộng với dòng nước dưới sông chảy khá xiết. Chị Lê Thị Kiều Oanh ở ấp Phụng An, người có căn nhà bị ảnh hưởng cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 10 năm rồi, trước đây phần đất bị sạt lở của nhà tôi không có dấu hiệu rạn nứt gì. Đêm hôm đó tầm 12 giờ, gia đình tôi nghe tiếng động rồi chạy ra thấy phần đất trước sân bị sạt xuống sông một cách nhanh chóng khiến gia đình tôi hoảng hốt và không kịp dọn dẹp đồ đạc trước”.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan và người dân trong khu vực bị sạt lở thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời. Đồng chí Huỳnh Phú Danh - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: “Nhận được tin người dân báo, UBND xã đã báo cáo nhanh về UBND huyện Kế Sách; đồng thời, điều động lực lượng đến hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa ở khu vực nguy hiểm và tạo mọi điều kiện để người dân trong tuyến có đường đi thông suốt. Ngoài ra, UBND xã sẽ tranh thủ gia cố cống ở gần đoạn sạt lở để đảm bảo không làm ảnh hưởng diện tích sản xuất nông nghiệp của bà con. UBND xã cũng phối hợp với ngành Điện lực huyện để di dời 4 trụ điện hạ thế, 1 trạm trung thế để tránh nguy hiểm do sạt lở xảy ra trên địa bàn”.
Theo nhận định của một số lãnh đạo địa phương, từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở diễn ra phức tạp, số vụ xảy ra nhiều và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được nhiều người nhận định là do tình hình biến đổi khí hậu, dòng nước ở các sông chảy xiết, có nơi xoáy vào chân đê làm đất ở các khu vực này bị xói mòn dần dần rồi sạt lở. Ở các con sông lớn lại có nhiều tàu, bè lưu thông cũng gây áp lực đến bờ sông, nhất là các đoạn xung yếu không có bờ kè chắc chắn nên dễ xảy ra sạt lở. Chia sẻ về những giải pháp phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, đồng chí Châu Văn Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở cao và lập phương án cụ thể di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời thường xuyên kiểm tra đường dây tải điện, khu vực có nhiều cây cần phải được phát quang đề phòng cành cây đổ vào đường dây tải điện khi có giông tố xảy ra. Huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, trong đó tập trung thi công xử lý các điểm sạt lở. Tranh thủ các nguồn vốn để xử lý các điểm sạt lở trên bờ sông và các tuyến đê bao cù lao trên sông Hậu.
Nhiều căn nhà sàn ven sông đối diện với nguy cơ sạt lở. Ảnh: Thiện Hải
Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tại các địa phương ven sông lại có nhiều nhà sàn, nhà bán kiên cố được người dân xây cất để ở và buôn bán, trong đó có những căn nhà không chắc chắn sẽ có nguy cơ thiệt hại cao khi thiên tai xảy ra. Gần đây, tại xã Xuân Hòa cũng đã xảy ra vụ sạt lở vào ban đêm làm sập hoàn toàn 1 căn nhà sàn bán kiên cố, khiến chủ hộ bàng hoàng nhưng kịp thời thoát ra ngoài. Nếu không có giải pháp hiệu quả để xử lý vấn đề này, khi xảy ra sạt lở sẽ không những bị thiệt hại về tài sản mà tính mạng con người cũng bị đe dọa.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 được tổ chức tại UBND tỉnh mới đây, đồng chí Châu Văn Lâm đã kiến nghị tỉnh sớm có kế hoạch di dời, tái định cư và chống sạt lở bằng bê tông, cốt thép nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân có nhà tập trung ven sông. Ngoài ra, tỉnh cần có quy chế quản lý nhà ở ven sông, kênh, rạch để tránh xảy ra trường hợp xây dựng nhà ở không đảm bảo an toàn.
Về vấn đề trên, đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm và tăng cường quản lý nhà nước trong vấn đề xây dựng mới. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương quản lý nghiêm về vấn đề xây dựng.