Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2 - Triển khai nhiều biện pháp khắc phục
Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển có xu thế ngày càng dâng cao kết hợp triều cường khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, Bạc Liêu và TP Cần Thơ đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để giảm bớt rủi ro.
Cần triển khai sớm các dự án tái định cư
Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), đã khảo sát thực tế khu vực sạt lở, chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, diễn biến sự cố sạt lở và báo cáo kịp thời khi có diễn biến mới xảy ra.
Đồng thời, thành lập đoàn thăm hỏi động viên công ty, doanh nghiệp, hộ dân, các lực lượng tham gia cùng công ty, doanh nghiệp gia cố tạm thời vị trí sạt lở (bằng cừ tràm, bao cát) để hạn chế sạt lở mở rộng ra.
Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện thì huyện chỉ đạo ngành chức năng khái toán kinh phí, xuất kinh phí dự phòng để tiến hành khắc phục sạt lở kịp thời như: đoạn đường Kênh 6 Thước, xã An Trạch A; tuyến đường cập Kênh Lung Rong xã Định Thành A; đối với trường hợp sạt lở nghiêm trọng như sạt lở của Công ty Trường Phúc, Công ty Dương Lộc Tiến, huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ khắc phục, nhanh chóng triển khai thi công đoạn kè G4, đồng thời về lâu dài có phương án xây dựng đoạn kè G6.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn rà soát các tuyến có nguy cơ cao sạt lở, cắm biển cảnh báo. Ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát các tuyến đường, thủy lợi, các công trình, dự án, nhà dân sinh sống gần sông, ven biển, gần kênh mương có nguy cơ sạt lở, hướng dẫn củng cố hoặc có phương án khắc phục kịp thời.
“Huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huyện, đài truyền thanh phối hợp tổ chức tuyên truyền cảnh báo về tình hình sạt lở giúp công ty, doanh nghiệp và người dân chủ động ứng phó kịp thời. Ưu tiên nguồn kinh phí dự phòng để tổ chức gia cố những nơi xung yếu nguy cơ sạt lở cao”, ông Hán thông tin.
Theo UBND thị xã Giá Rai, nguyên nhân gây ra sạt lở là do xâm thực của dòng chảy và ảnh hưởng của thủy triều gây ra...
Đa số các hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở đều có điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc vận động di dời nhà đến khu vực an toàn là vấn đề nan giải. Mặc khác, do địa phương chưa bố trí được khu vực tái định cư cho các hộ dân trên, nên hiện tại các hộ vẫn phải sống tạm trong khu vực không đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, kịp thời báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý, cắm biển cảnh báo không cho người ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng dân phòng địa phương theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.
UBND thị xã Giá Rai đã kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ngành có liên quan xem xét hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sạt lở sớm ổn định đời sống, sinh hoạt; có kế hoạch triển khai dự án khu tái định cư trên địa bàn thị xã, đồng thời sớm xem xét bố trí nguồn vốn, triển khai xây dựng kè chống sạt lở tại vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở (với chiều dài 4.700m có nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 808 hộ dân sinh sống theo tuyến này).
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy nhanh đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, dự án di dân tái định cư và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông.
Cụ thể, bờ sông có 16 dự án, công trình; bờ biển có 9 dự án, công trình; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện 23 dự án, trong đó gồm: 21 dự án, công trình bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông. Tổng kính phí xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 của Bạc Liêu gần 19.300 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, cần 11.147 tỉ đồng để đầu tư và sớm hoàn thiện 27 dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển (có 16 dự án chống sạt lở bờ sông; 9 dự án chống sạt lở bờ biển) và dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông do sạt lở bờ sông.
Giai đoạn 2026 - 2030, cần 8.110 tỉ đồng để thực hiện 23 dự án, công trình, trong đó có 21 dự án và công trình chống sạt lở bờ sông; 1 dự án di dân tái định cư; 1 dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hư hỏng hệ thống công trình giao thông.
Sớm khắc phục các điểm sạt lở
Theo cơ quan chức năng của TP Cần Thơ, năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra bốn loại hình thiên tai gồm: sét đánh, dông lốc, sạt lở và triều cường; làm một người chết, một người bị thương (do sét đánh); ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 6 tỷ đồng.
Mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 giảm so với các năm trước đây. Dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn thành phố trong năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường và ngày càng cực đoan. Do đó, cần chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, các sở, ngành, quận huyện xây dựng phương án, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị và có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu, xử lý kịp thời các tình huống khi có thiên tai xảy ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 34 đợt sạt lở bờ sông, ở các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, làm bị thương 2 người, làm sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà, tổng chiều dài 2.000m.
Một số điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến: Sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m; khu vực Phú Lợi, phường Tân Phú, quận Cái Răng, có chiều dài hơn 100 m, rộng 5m; bờ sông Trà Nóc khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, có chiều dài 100m; đoạn sạt lở tại ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Kéo dài khoảng hơn 50m, sạt lở lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 5m.
Ông Nguyễn Thành Tài, Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết, sau khi xả ra sạt lở, UBND huyện đã báo cáo và đề nghị UBND TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... xem xét mở rộng ranh giải phóng mặt bằng của dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh đến giáp đường tỉnh 923 để di dời toàn bộ 8 nhà dân trên tuyến đến nơi an toàn. Đồng thời rà soát, xem xét tái định cư cho 8 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở.
Hiện Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Phong Điền đã phối hợp với đơn vị chủ đầu tư dự án tiến hành tổng hợp các hộ bị ảnh hưởng, xin chủ trương cấp thẩm quyền lập dự toán điều chỉnh dự án. Nếu được chấp thuận chủ trương sẽ tiến hành áp giá bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nêu trên theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, thì: Sau khi các đợt thiên tai xảy ra, UBND phường Thới An Đông đã nhanh chóng xử lý, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, tổ chức rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, hỗ trợ người dân tháo dỡ hàng rào… vận động mở đường đi tạm để đảm bảo giao thông, sinh hoạt cho người dân.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các sở, ban ngành thành phố, quận, huyện đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương, đạt kết quả, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân.