Sạt lở uy hiếp nhiều di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Trị
Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đã và đang uy hiếp nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng ở tỉnh Quảng Trị.
Mưa lũ kéo dài thời gian qua gây sạt lở nhiều khu vực bờ sông, các tuyến đê biển ở tỉnh Quảng Trị. Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng ở địa phương này.
Tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, công trình bia di tích lịch sử cách mạng đang bị sạt lở ăn sâu vào nền móng. Chính quyền và người dân địa phương đã gia cố tạm thời công trình này bằng bao cát.
Mưa lũ cũng gây sạt lở nghiêm trọng tại di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Bờ kè phía trước di tích đổ sập hư hỏng nặng, đoạn sạt lở kéo dài gần 100m, ăn sâu vào bên trong gần 2m; đoạn lan can bảo vệ bằng bê tông, ngăn cách với hồ cảnh quan di tích bị đứt gãy, đổ sập xuống nước.
Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh dài gần 500m bảo vệ di tích lịch sử Quốc gia địa đạo Vịnh Mốc cũng bị hư hỏng nặng. Thân đê xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, nhiều mảng bê tông kiên cố bị vỡ nát, sóng cuốn xuống biển.
Ông Phan Trường Định, Phó Ban quản lý di tích Quốc gia địa đạo Vịnh Mốc cho biết đã xuất hiện một số điểm sạt lở, sụt lún gây ảnh hưởng đến tuyến kè và bảo vệ dọc bờ biển. Việc sạt lở gây ảnh hướng đến sự an toàn của khu di tích vì di tích nằm sát bờ biển. Nếu không sửa chữa kịp thời thì trong đợt mưa bão tới đây sẽ sụt lún nữa nên cần nguồn vốn để sửa chữa.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở đã khảo sát, lên phương án gia cố, sửa chữa các tuyến đê biển, các bờ sông, bờ kè bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho các di tích lịch sử.
“Sở đã đi kiểm tra cũng như báo cáo với UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất với Trung ương để xin hỗ trợ từ nguồn tiền chống sạt lở bờ biển, bờ sông để khắc phục. Việc này rất cấp thiết, nếu không sửa chữa kịp thời, đầu tư hoàn chỉnh thì sẽ ảnh hưởng không những đối với di tích mà còn ảnh hưởng đến vấn đề đất sản xuất và sinh sống, làng mạc của người dân”, ông Hưng nói./.