Sạt lở ven sông Hậu vẫn diễn biến phức tạp
Tại Sóc Trăng, liên tiếp những tháng đầu năm 2023, xuất hiện nhiều vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, tập trung ở các huyện ven sông Hậu (sông Mê Kông) như huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở nên có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Mới đây, (đêm ngày 10/4) vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại tuyến Rạch Phụng An thuộc xã Song Phụng (huyện Long Phú), với điểm sạt lở chiều dài gần 50m, ăn sâu đất liền gần 15m. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến đê bao, hoa màu, vật kiến trúc của người dân địa phương.
Ông Ngô Văn Bảy (có nhà bị ảnh hưởng sạt lở) ở xã Song Phụng, huyện Long Phú cho biết, tầm hơn 1 giờ đêm, khi đang ngủ trong nhà thì nghe những tiếng động lớn phát ra bờ sông trước nhà, với thời gian diễn ra rất nhanh đất đã sụp xuống sông hoàn toàn. Vị trí sạt lở ăn sâu vào gần sát nhà, làm đứt một đoạn đường giao thông nông thôn, người dân đi lại rất khó khăn.
Ghi nhận phóng viên, tại hiện trường còn xuất hiện thêm nhiều vết nứt rất lớn, trong khi dòng chảy ở khu vực tuyến Rạch Phụng An rất mạnh cộng với tàu, thuyền lưu thông qua lại nhiều, khả năng trong thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra.
Theo ông Lê Hoàng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phụng, huyện Long Phú, hiện UBND xã đã hỗ trợ người dân gia cố bờ bao để ngăn nước tràn vào gây thiệt hại rau màu, cây ăn trái. Đồng thời, thống kê thiệt hại của bà con kiến nghị với ngành chuyên môn có phương án hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con lân cận nên chủ động các biện pháp ứng phó, để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trước đó, trong tháng 2/2023, cũng trên tuyến Rạch Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, chỉ một đoạn ngắn khoảng 4km nhưng đã có đến 8 điểm sạt lở, ước thiệt hại gần 250 triệu đồng.
Đánh giá tình hình sạt lở gần đây, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho rằng, thời gian gần đây, sạt lở bờ sông, bờ kênh thường xuyên xảy ra đối với các huyện ven sông Hậu, cao điểm vào tháng mưa, lũ. Nguyên nhân do thủy triều cao và gió to sóng lớn.
Về lâu dài, ngành chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát thực tế sạt lở để có những giải pháp triệt để hơn. Hiện tỉnh Sóc Trăng cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vốn để khắc phục phòng, chống sạt lở. Trước mắt, địa phương đã gia cố tạm thời các điểm sạt lở, làm kè mềm ổn định để người dân đi lại an toàn.