Sắt son tấm lòng biển đảo - Bài 2: 'Mắt thần' giữa trùng khơi

Lực lượng bộ đội ra đa nói chung và ra đa Hải quân nói riêng có một niềm tự hào là được ví như 'đôi mắt thần' của biển. Đó là điều vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề, đòi hỏi những người lính biển trên núi phải duy trì nghiêm nền nếp để quan sát, phát hiện, không để sót bất cứ mục tiêu nào trên biển, trên không tầm thấp. Ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó của các anh đã góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, mang lại sự bình yên cho đất nước.

Bền bỉ cắm chốt

Trong 7 điểm đảo mà đoàn đại biểu TPHCM tới thăm (gồm Hòn Khoai, Thổ Châu, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc, Phú Quốc và Côn Đảo) thì Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là đảo duy nhất không có dân cư sinh sống. Để vào đảo, chúng tôi ngồi xuồng mất gần 1 giờ mới tới cầu cảng, rồi đi theo con đường vòng cung chừng 3km giữa rừng nguyên sinh để đến Trạm ra đa 595, Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, nằm trên độ cao 318m so với mực nước biển.

 Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Đào Minh Sửu, trắc thủ ra đa Trạm ra đa 625, Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, quan sát mục tiêu trên biển bằng ống nhòm chuyên dụng. Ảnh: VĂN ĐỊNH

Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Đào Minh Sửu, trắc thủ ra đa Trạm ra đa 625, Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, quan sát mục tiêu trên biển bằng ống nhòm chuyên dụng. Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo lời Đại úy Nguyễn Đình Phúc, Trạm trưởng Trạm ra đa 595, trên đảo không có dân cư sinh sống. Do đó, các chiến sĩ phải tận dụng mọi chỗ đất trống để trồng rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm cải thiện bữa ăn. Nguồn nước ngọt để sinh hoạt, phục vụ tăng gia sản xuất đều được sử dụng từ nước mưa dự trữ. Thông qua hệ thống máy lọc RO do Đảng bộ, chính quyền và quân dân TPHCM trao tặng, nguồn nước được đảm bảo an toàn.

Việc tăng gia sản xuất không chỉ nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ mà còn là nhiệm vụ song song với công tác huấn luyện tại đơn vị. Khó khăn là vậy, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Đồn Biên phòng Hòn Khoai và trạm hải đăng tích cực tham gia cứu nạn, phòng chống cháy rừng… Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn đơn vị và khu vực đóng quân.

So với đảo Hòn Khoai, đường đi ở đảo Hòn Chuối (Cà Mau) khó khăn hơn. Đường lên Trạm ra đa 615 dốc đứng với gần 400 bậc thang, có đoạn bậc thang gần như thẳng đứng, sải chân người lớn phải vươn hết cỡ mới lên được. Lính hải quân trên đỉnh Trạm ra đa 615 mỗi ngày lên xuống con dốc này hàng chục bận.

Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trung Khắc, cán bộ Trạm ra đa 615, đã có gần chục năm ở Hòn Chuối. Anh kể, ngày đầu mới đến nhận nhiệm vụ, bản thân hơi “sốc” bởi ngoài khó khăn về địa hình nơi đây, anh biết được người dân trên đảo phải sống di cư theo mùa: nửa năm sống bên này đảo, nửa năm sống bên kia đảo. “Các anh đến, nhìn thấy nhà cửa của bà con ngư dân tạm bợ, nhiều nhà có khi chỉ dựng khung tre, nứa rồi quây bạt. Mỗi khi di chuyển vừa nhanh gọn vừa đỡ tốn kém. Đấy là cuộc sống của người dựa vào biển”, anh Khắc đúc kết.

Thuận lợi hơn Hòn Chuối, đảo Hòn Đốc (nằm trong quần đảo Hải Tặc) thuộc xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Kep của Campuchia, rộng 11km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc. Nơi đây có nhiều tuyến đường thông thương quan trọng giữa 2 quốc gia. Cột mốc chủ quyền dựng năm 1958 đặt ở phía Tây Hòn Đốc ghi rõ tên các đảo. Dân đi biển vẫn quen gọi là đảo Hải Tặc bởi nơi đây từng bị cướp biển lộng hành.

Đứng trên đài quan sát của Trạm ra đa 625 có thể thấy rõ một số đảo thuộc tỉnh Kep của Campuchia, nằm cách hơn 3 hải lý. Những cánh sóng ra đa trở thành “con mắt” quan sát mọi di biến động trên vùng biển Hà Tiên, bao gồm cả hoạt động buôn lậu, đánh bắt trái phép thủy hải sản. Ra đa hải quân như trinh sát chỉ thị mục tiêu để lực lượng chấp pháp trên biển nắm thông tin, kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ các trạm ra đa, các anh không giấu được niềm vui khi gửi gắm tình cảm của lính đảo với hậu phương nơi đất liền. Thiếu tá Phùng Sĩ Chương, Trạm trưởng Trạm ra đa 625, chia sẻ: “Ở nơi đảo xa, những người lính hải quân chúng tôi luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Mong gia đình, người thân luôn khỏe mạnh, nhân dân ở đất liền yên tâm tin tưởng, chúng tôi hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Không để sót, lọt mục tiêu

Chúng tôi lên Trạm ra đa 605, Trung đoàn 551 (Phú Quốc) khi bóng chiều đã ngã, nhưng kíp trực của đơn vị vẫn tập trung cao độ quan sát, theo dõi mục tiêu trên màn hình ra đa và ống nhòm chuyên dụng. Đại úy Đỗ Đình Nam, Trạm trưởng Trạm ra đa 605, cho biết: “Nhiệm vụ của trạm là quan sát, phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không tầm thấp, xác định kiểu loại, hành động để kịp thời báo cáo về sở chỉ huy cấp trên và các đơn vị hiệp đồng; đồng thời xác minh, dẫn dắt, chỉ thị mục tiêu cho các lực lượng xử lý khi có tình huống”.

Tại vị trí quan sát “mắt thần” của đơn vị, theo yêu cầu của đồng chí Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Phan Ngọc Đại, nhân viên trạm, giới thiệu mạch lạc, đầy đủ về cấu tạo, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của ống nhòm, hướng quan sát chủ yếu và các mục tiêu quan sát được trong ca trực. Bên trong phòng trực điều hành, không khí làm việc của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ rất nhộn nhịp, khẩn trương bởi các mục tiêu liên tục xuất hiện.

Chỉ tay vào những chấm nhỏ li ti dày đặc trên màn hình ra đa, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Đậu Hồng Sơn, nhân viên trạm, báo cáo, đây là các mục tiêu ra đa quét được. Từ tàu quân sự, tàu hàng cho đến tàu đánh cá của ngư dân đều được hiển thị trên màn hình. Khi màn hình ra đa xuất hiện mục tiêu mới, Đại tá Trịnh Xuân Tùng yêu cầu vị trí trực máy nhận dạng, xác định kiểu loại phương tiện. Chưa đầy 2 phút, nhân viên trạm đã báo cáo mục tiêu là 1 tàu hàng. Để kiểm tra tính chính xác, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân yêu cầu Trưởng ban Tác chiến Vùng lên vị trí quan sát mắt sử dụng ống nhòm xác minh. Kết quả kiểm tra đúng như báo cáo của nhân viên.

Bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Trịnh Xuân Tùng tỏ rõ sự hài lòng về trình độ và trách nhiệm của bộ đội; đồng thời khích lệ: “Khu vực đơn vị được giao quan sát có lưu lượng phương tiện tàu, thuyền hoạt động lớn. Đây là địa bàn “nóng” về buôn lậu, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, có nguy cơ xảy ra vi phạm khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải bám đài trạm, duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện, chế độ canh trực, tích cực quan sát, phát hiện, không để sót, lọt mục tiêu, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn trên biển, cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

“Anh cả” của Trạm ra đa 620

Gắn bó với vùng biển Tây Nam và các đài, trạm ra đa Vùng 5 Hải quân ngay từ khi ra trường đến nay đã gần 30 năm, Thiếu tá Nguyễn Hải Đăng, Tiểu đội trưởng ra đa, Trạm ra đa 620, Trung đoàn 551, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong công tác.

Đảm nhiệm cương vị tiểu đội trưởng ra đa từ năm 1999 đến nay, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hải Đăng luôn ý thức: lực lượng do anh phụ trách đóng vai trò nòng cốt của trạm, cũng như tầm quan trọng của trạm là con “mắt thần” giữ biển. Với tinh thần “Vào phòng máy là vào vị trí chiến đấu”, anh luôn gương mẫu, đi đầu trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ quan sát, nhất là những thời điểm thời tiết phức tạp như ban đêm, mưa to, gió lớn, sương mù…

Không chỉ tự xây dựng cho mình ý thức trách nhiệm, Thiếu tá Nguyễn Hải Đăng còn thường xuyên quán triệt, giáo dục cho chiến sĩ về tính chất quan trọng của vùng biển Tây Nam; về vị trí, tầm quan trọng của trạm, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cho bộ đội trong việc tự giác bám máy, bám đài. 5 năm qua, Thiếu tá Nguyễn Hải Đăng cùng tập thể tiểu đội ra đa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan sát phát hiện; không xảy ra lơ là, mất cảnh giác dẫn tới sai sót, nhầm lẫn mục tiêu, nhất là các mục tiêu quan trọng. Anh được đồng chí, đồng đội thường gọi bằng hai tiếng thân thương “Anh cả!”.

QUANG HUY - VĂN ĐỊNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sat-son-tam-long-bien-dao-bai-2-mat-than-giua-trung-khoi-post773407.html