'Sát thủ' ánh sáng

Ô nhiễm ánh sáng không những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên mà còn gây lãng phí năng lượng và tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

Ô nhiễm ánh sáng về đêm gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. (Nguồn: britannica.com)

Ô nhiễm ánh sáng về đêm gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. (Nguồn: britannica.com)

Ô nhiễm ánh sáng xảy ra khi ánh sáng nhân tạo lấn át ánh sáng tự nhiên vào ban đêm, gây khó chịu cho con người.

Khi màn đêm buông xuống, các đô thị sáng rực trong ánh sáng nhân tạo với cường độ mạnh đến mức làm lu mờ các vì sao. Hiện tượng này gia tăng nhiều năm qua, góp phần làm nhiệt độ tại các thành phố cao hơn so với vùng nông thôn.

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực rộng lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á về đêm rực sáng, chỉ còn những vùng xa xôi như Siberia, Sahara và rừng Amazon chìm trong bóng tối.

Âm thầm nhưng nguy hiểm

Là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp phát triển, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, ô nhiễm ánh sáng tỷ lệ thuận với quá trình hoạt động kinh tế, sinh hoạt của con người. Chính sự phát triển về mọi mặt làm tăng nhu cầu sử dụng ánh sáng quá mức và do vậy, tác động đến con người một cách âm thầm nhưng nguy hiểm.

Theo các nghiên cứu khoa học, ánh sáng của bóng đèn LED ban đêm mạnh hơn gấp 100 lần ánh sáng tự nhiên ban ngày. Do đó, ô nhiễm ánh sáng chính là “sát thủ nguy hiểm”, âm thầm phá vỡ hệ sinh thái trên Trái đất và gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, lãng phí tài nguyên và gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia, làm gia tăng ô nhiễm khí quyển, gián tiếp tác động đến khoa học, thiên văn học.

Theo thống kê của trang hỏi đáp Quora, Singapore là quốc gia bị ô nhiễm ánh sáng nặng nhất. Gần 99% cư dân ở Mỹ và châu Âu cũng đang chịu đựng tình trạng này, trong đó 80% người dân Bắc Mỹ không thể nhìn thấy dải Ngân hà. Các quốc gia đang có mức độ ô nhiễm ánh sáng cao khác là Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia và Hàn Quốc.

Hệ lụy về sức khỏe

Cơ thể con người hoạt động theo đồng hồ sinh học. Do vậy, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm sẽ làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực tới nhịp sinh học của cơ thể. Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng tới sự sản xuất melatonin trong não (giúp cơ thể duy trì chu kỳ thức - ngủ bình thường), gây ra những rối loạn liên quan đến giấc ngủ, đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh lý mãn tính.

Ánh sáng màu đặc biệt gây ra những bất lợi đối với mắt, rối loạn thần kinh, khiến con người dễ xuất hiện các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, mất tập trung... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ gây ra các bệnh ung thư: vú, trực tràng, ruột kết và tuyến tiền liệt.

Một tác nhân khác gây ra ô nhiễm ánh sáng chính là kính gương. Kính gương được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cao tầng tại các đô thị. Kính gương gây ra phản xạ ánh sáng, gây nguy hiểm cho người lái xe. Hơn nữa, mắt người ngày càng kém đi do ô nhiễm ánh sáng, khó nhìn đường vào buổi tối, cộng với ánh sáng chói (tình trạng đối lập giữa vùng sáng và vùng tối trong tầm nhìn) là một trong những nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông.

Xáo trộn hệ sinh thái

Quá trình ô nhiễm ánh sáng làm sinh hoạt của các loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng, cân bằng sinh thái bị phá hủy. Ô nhiễm ánh sáng gây xáo trộn mối quan hệ giữa động vật ăn thịt và con mồi, cũng như chu kỳ sinh sản của động vật hoang dã. Các loài động vật hoang dã chuyên hoạt động về đêm sẽ khó khăn trong việc di chuyển, kiếm mồi và khiến các loài chim di trú mất phương hướng. Rùa biển mới nở, chim biển non không xác định được hướng bơi về biển. Rối loạn tổng hợp melatonin ở các loài bò sát, lưỡng cư gây tổn thương võng mạc, đột biến di truyền và giảm tinh trùng…

Ánh sáng nhân tạo từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng bay về, làm mất nguồn thức ăn của các loài chim, phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên.

Tại các thành phố lớn, ánh sáng làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2. Năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng các loại khí nhà kính, đẩy nhanh hiệu ứng ấm lên của Trái đất. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, có thể tính đa dạng của thế giới tự nhiên sẽ bị nguy hại nghiêm trọng.

Sự thừa sáng kích thích sự phát triển của sinh vật phù du ăn tảo bề mặt, khiến chúng phát triển quá mạnh, gây hiện tượng “tảo nở hoa” giết hại các loài thực vật khác; các loại hoa nở vào ban đêm khó được ong bướm thụ phấn; một số loại cây do ánh đèn cao áp quá mạnh không thể ra hoa trổ hạt…

Ô nhiễm ánh sáng còn gây lãng phí nguồn năng lượng và tác động xấu đến kinh tế toàn cầu. Theo một số nghiên cứu, khoảng 50-90% lượng ánh sáng phát ra từ các tòa nhà về đêm là không cần thiết, dẫn đến tình trạng tăng lượng khí thải CO2 và tiêu tốn ngân sách.

Nỗ lực hành động

Việc giảm ô nhiễm ánh sáng bao gồm: Tăng số lượng các vì sao có thể nhìn thấy vào ban đêm, giảm tác động của ánh sáng điện lên môi trường, cải thiện sức khỏe và sự an toàn cho con người cũng như động vật hoang dã, cắt giảm việc sử dụng năng lượng.

Đã có một số tổ chức, phong trào hoạt động nhằm giảm ô nhiễm ánh sáng và bảo tồn bầu trời đêm tự nhiên, có thể kể đến Hiệp hội Bầu trời tối quốc tế, Phong trào Vì bầu trời tối quốc tế, Tuần lễ Bầu trời tối quốc gia hay Giờ Trái đất...

Hiệp hội Bầu trời tối quốc tế (IDA) có trụ sở tại Mỹ, được thành lập năm 1988. IDA giáo dục công chúng và chứng nhận các công viên cũng như những địa điểm khác đã nỗ lực giảm lượng phát thải ánh sáng. Năm 2017, IDA phê duyệt khu bảo tồn bầu trời tối đầu tiên của Mỹ. Khu bảo tồn bầu trời tối Central Idaho rộng lớn, có diện tích 3.667 km2, cùng với 11 khu bảo tồn bầu trời tối khác được thành lập trên khắp thế giới.

Nhiều bang ở Mỹ đã thông qua luật kiểm soát ánh sáng ngoài trời. Tại đây, các nhà sản xuất nỗ lực thiết kế các sản phẩm với nguồn sáng hiệu suất cao vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm ô nhiễm ánh sáng.

Bên cạnh đó, Phong trào Vì bầu trời tối, Tuần lễ Bầu trời tối quốc gia, Giờ Trái đất là những ví dụ cho những nỗ lực này, được hưởng ứng không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, không có tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế nào về ô nhiễm ánh sáng. Tuy nhiên, một số thành phố ở Mỹ và Canada đang chủ động tạo điều kiện để Phong trào Bầu trời tối được thực hiện ở mọi thành phố trên toàn quốc, vừa giảm ô nhiễm ánh sáng vừa để người dân có thể thư giãn ngắm bầu trời đêm trong lành, tự nhiên trong phạm vi thành phố. Chính quyền cũng khuyến khích người dân chỉ sử dụng hệ thống chiếu sáng ngoài trời khi cần thiết, bảo đảm đèn ngoài trời được che chắn đúng cách và hướng ánh sáng xuống, thay vì chiếu lên trời.

Những hành động trên không chỉ ở cấp độ tổ chức, quốc gia, khu vực mà còn cần sự góp sức của từng cá nhân. Do vậy, mỗi người cần nâng cao nhận thức về ô nhiễm ánh sáng và thực hiện những cách khắc phục tình trạng này trong từng hành động trong đời sống sinh hoạt mỗi ngày. Đó là: Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu; kiểm tra các hệ thống chiếu sáng hiện có và thiết kế lại nếu cần; tắt đèn khi không cần thiết; sử dụng dụng cụ chiếu sáng phù hợp, tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sat-thu-anh-sang-286895.html