Trinh sát cơ không người lái (UAV) MQ-9 Reaper thuộc Phi đoàn Thử nghiệm số 556 không quân Mỹ khai hỏa tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, bắn hạ mục tiêu bay BQM-167 Skeeter mô phỏng tên lửa hành trình trong đợt thử nghiệm tại thao trường gần căn cứ Nellis, bang Nevada, hồi đầu tháng 9.
Đây là một phần đợt diễn tập Hệ thống Quản lý Chiến đấu Tiên tiến (ABMS) được không quân Mỹ tiến hành ngày 31/8-3/9/2020
Hoạt động nhằm thử nghiệm những hệ thống thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu giữa các quân binh chủng Mỹ và đồng minh trong thời gian thực.
"Nỗ lực chung của nhiều đơn vị đã giúp thử nghiệm này thành công. Dự án vẫn trong giai đoạn phát triển sơ khai, nhưng đợt bắn thành công đã mở ra cánh cửa khám phá những cơ hội cho hệ thống Chỉ huy và Điều phối Đa mặt trận Liên quân (JADC2), cũng như phô diễn tính năng đối không và năng lực tác chiến ngoài những nhiệm vụ chống khủng bố thường thấy của dòng MQ-9", trung tá Michael Chmielewski, chỉ huy Phi đoàn số 556, cho hay.
Không quân Mỹ cho biết chiếc Reaper đã phóng biến thể Block II của tên lửa AIM-9X trong đợt thử nghiệm hồi đầu tháng 9. Biến thể này có đường truyền dữ liệu hai chiều, cảm biến ảnh nhiệt tối tân và được tăng tầm bắn so với mẫu AIM-9X trước đó, cùng khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng.
AIM-9X Block II được coi là tên lửa đối không tầm ngắn uy lực nhất trong biên chế không quân Mỹ hiện nay, cho phép nó tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Đây là lần thứ hai UAV Mỹ phóng tên lửa AIM-9X để diệt mục tiêu trên không, sau cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra hồi năm 2018.
Không quân Mỹ hồi năm 2003 trang bị tên lửa phòng không FIM-92 Stinger cho phi đội MQ-1 Predator, phiên bản tiền nhiệm của MQ-9, để bổ sung khả năng tự vệ cho chúng, nhưng loại vũ khí này chưa từng được UAV Mỹ khai hỏa trong chiến đấu.
Được biết, sự xuất hiện của các UAV chiến đấu làm thay đổi đáng kể phương pháp tác chiến trên chiến trường. Hiện Mỹ là quốc gia có lực lượng UAV chiến đấu hùng hậu nhất thế giới.
Trong số các UAV chiến đấu hiện đại và có sức mạnh đáng gờm nhất hiện nay, không thể không kể đến MQ-9 Reaper của Mỹ. Đây được coi là máy bay không người lái có sức chiến đấu mạnh nhất thế giới.
Với các sensor cảm biến quang điện tử hiện đại, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Trước đây Mỹ chỉ trang bị cho MQ-9 những tên lửa tiềm nhiệt và tên lửa chống tăng, tuy nhiên họ đang có tham vọng biến cỗ máy chết người này thêm mạnh mẽ với việc trang bị các tên lửa có dẫn đường bằng radar.
MQ-9 có chuyến bay đầu tiên vào năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007.
MQ-9 Reaper là chiếc máy bay không người lái trinh sát-tấn công hiện đại nhất thế giới tính đến thời điểm này.
Hiện những máy bay không người lái này vẫn đang được không quân Mỹ sử dụng tích cực tại các điểm nóng trên thế giới có sự hiện diện của quân đội Mỹ.
MQ-9 Reaper là loại máy bay không người lái có khả năng được điều khiển từ xa qua tín hiệu vệ tinh hoặc thông qua các trạm điều khiển mặt đất truyền thông tin nối tiếp nhau.
MQ-9 Reaper có khả năng bay liên tục 14 tiếng trên không, với 7 giá treo, có thể mang theo tới 14 tên lửa diệt tăng Hellfire, hoặc tên lửa đối không Stinger.
Ngoài ra những cải tiến mới còn giúp những chiến đấu cơ mệnh danh là sát thủ giấu mặt này còn có thể triển khai bom thông minh, hoặc các mang theo các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử của đối phương.
MQ-9 Reaper có thể coi là một phiên bản lớn và hiệu quả hơn MQ-1 Predator. Chiếc UAV này có phạm vi hoạt động rộng hơn, tải trọng cao hơn và thời gian hoạt động trên không dài hơn. Do vậy, nó có thể thực hiện nhiệm vụ kép (tấn công - trinh sát) hiệu quả hơn.
Mỹ sở hữu gần 100 chiếc Reaper, biên chế về nhiều đội quân khác nhau. Những nước cũng chuộng loại máy bay này gồm Italy, Pháp, Anh và Hà Lan.
Việt Hùng