'Sát thủ thầm lặng' tại Olympic Paris 2024

Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo sức nóng dữ dội ở Olympic Paris - được cho là kỳ Thế vận hội nóng nhất trong lịch sử - có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng của các VĐV.

Năm 2021, với nhiệt độ trên 34 độ C và độ ẩm lên tới 70%, Olympic Tokyo được mô tả là nóng nhất trong lịch sử. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu của quá trình "leo thang đáng báo động" đối với Thế vận hội mùa hè, theo một báo cáo mới của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu.

"Các VĐV nôn mửa và ngất xỉu khi về đích, xe lăn được dùng để đưa mọi người ra khỏi đấu trường nắng nóng và thậm chí còn có những nỗi sợ về an toàn tính mạng của người chơi", báo cáo viết.

Kỳ Olympic nóng nhất lịch sử

Olympic năm nay tại Paris có khả năng còn tệ hơn nữa, khi biến đổi khí hậu và quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch đã góp phần gây ra đợt nắng nóng kỷ lục trong vài tháng qua.

Báo cáo "Rings of Fire" là kết quả hợp tác giữa 11 VĐV Olympic và các nhà khoa học khí hậu từ Đại học Portsmouth (Anh). Báo cáo cảnh báo rằng dự báo nhiệt độ cực cao ở thủ đô nước Pháp có thể khiến người chơi thể thao kiệt sức và trong trường hợp xấu nhất là tử vong.

 Nắng nóng kỷ lục ở Paris vì biến đổi khí hậu. Ảnh: The New York Times.

Nắng nóng kỷ lục ở Paris vì biến đổi khí hậu. Ảnh: The New York Times.

Jo Corbett, phó giáo sư khoa sinh lý học môi trường tại Khoa Khoa học Thể thao, Sức khỏe và Tập thể dục của Đại học Portsmouth, cho biết: "Một hành tinh nóng lên sẽ đặt ra thêm thách thức cho các VĐV, có thể ảnh hưởng xấu đến thành tích của họ và làm giảm độ hoành tráng của Thế vận hội. Nhiệt độ cao cũng làm tăng khả năng mắc bệnh ở quan chức, khán giả, cũng như VĐV".

Jamie Farndale, cầu thủ bóng bầu dục 7 người của Vương quốc Anh, nói thêm: "Dừng lại hay bỏ cuộc không nằm trong DNA của một VĐV và nếu điều kiện quá nguy hiểm, tôi nghĩ sẽ có nguy cơ tử vong".

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU, năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận. Xu hướng đó vẫn tiếp tục vào năm 2024, với 12 tháng qua là thời gian nóng nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 1940. Các nhà khoa học dự đoán có 66% khả năng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.

Trong khi đó, tại Paris, nhiệt độ hàng năm đã tăng 1,8 độ C kể từ năm 1924, lần gần nhất nơi này tổ chức Thế vận hội. Trung bình, có thêm 23 ngày nóng từ 25 độ C trở lên và 9 ngày "nóng như thiêu đốt" từ 30 độ C trở lên mỗi năm.

Từ năm 1947 đến năm 2023, khu vực Paris đã chứng kiến 50 đợt nắng nóng, với tần suất và cường độ tăng cao do biến đổi khí hậu. Năm 2003, một đợt nắng nóng đã giết chết hơn 14.000 người ở Pháp. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến nhiệt độ ở trung tâm Paris lên 70%.

Mùa hè năm ngoái, thời tiết nắng nóng được ví như "sát thủ thầm lặng" đã khiến 5.000 người tử vong do ở Pháp. Nghiên cứu cho thấy rằng những mùa hè cực nóng như năm 2023 hiện có khả năng xảy ra cao gấp 10 lần do biến đổi khí hậu.

"Đốt cháy" hệ thần kinh và rút cạn sức lực

Thế vận hội năm nay sẽ được tổ chức vào cùng thời điểm (từ ngày 26/7 đến ngày 11/8) chứng kiến đợt nắng nóng đỉnh điểm của năm 2023. Nhiệt độ mùa hè ở Paris còn nóng hơn nữa do hiệu ứng "Đảo nhiệt đô thị" (Urban Heat Island), khi đó khu vực thành thị trở nên nóng hơn các vùng nông thôn xung quanh.

Nắng nóng có tác động tiêu cực đến khả năng của các VĐV. Nhiệt độ cao khiến việc điều chỉnh thân nhiệt trở nên khó khăn hơn, làm suy yếu hiệu suất thi đấu, đặc biệt là trong các môn thể thao đòi hỏi sức bền. Các tác động có hại như cháy nắng, chuột rút do nhiệt, kiệt sức vì nhiệt và ngất xỉu do say nắng cũng rất đáng lo ngại.

 Nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích thi đấu của VĐV. Ảnh: BBC.

Nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích thi đấu của VĐV. Ảnh: BBC.

Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ là mối lo ngại lớn khác đối với các VĐV tại Thế vận hội Paris 2024, đặc biệt là khi Làng Olympic không có điều hòa. Sebastian Coe, Chủ tịch của World Athletics, giải thích: "Từ những vấn đề nhỏ hơn ảnh hưởng đến hiệu suất như rối loạn giấc ngủ và thay đổi thời gian sự kiện vào phút chót, đến những tác động nghiêm trọng hơn đến sức khỏe, căng thẳng và chấn thương liên quan đến nhiệt, hậu quả có thể trở nên nghiêm trọng".

Nhớ lại tình trạng mệt mỏi do tiếp xúc với nhiệt độ cao tại một sự kiện thể thao ở Napoli vào năm 2019, VĐV chạy nước rút người Thụy Sĩ Ajia Del Ponte cho biết: "Tôi có những triệu chứng tương tự như tập luyện quá sức, nhưng về cơ bản là do tiếp xúc với nhiệt độ cao đã 'đốt cháy' hệ thần kinh của tôi.

Tôi cảm thấy mệt mỏi, chủ yếu là kiệt sức. Hoàn toàn không có năng lượng để nhấc chân lên. Tôi đã rất suy sụp vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cơ thể mình. Cảm giác như bạn có những sợi xích quấn quanh mắt cá chân và cổ tay khiến mọi chuyển động đều chậm đi rất nhiều".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sat-thu-tham-lang-tai-olympic-paris-2024-post1490456.html