SAT vẫn chưa mất 'ngôi vương' trong tuyển sinh đại học Mỹ

Dù gặp nhiều biến động trong giai đoạn dịch Covid-19, SAT vẫn là bài thi chuẩn hóa được nhiều trường áp dụng trong công tác tuyển sinh.

 SAT là bài thi chuẩn hóa được các đại học Mỹ dùng trong tuyển sinh. Ảnh: NBC News.

SAT là bài thi chuẩn hóa được các đại học Mỹ dùng trong tuyển sinh. Ảnh: NBC News.

Đối với nhiều thế hệ học sinh Mỹ, SAT là bài thi gây ám ảnh vì có thể quyết định đến tương lai học tập của họ.

Trải qua gần 100 năm, SAT đối mặt với hàng loạt tranh cãi vì ảnh hưởng con đường vào đại học của nhiều bạn trẻ. Bài thi chuẩn hóa này cũng bị tố là rào cản khiến nhiều người không thể gia nhập "chế độ nhân tài" ở Mỹ.

Trong thời kỳ đại dịch, hàng chục đại học danh tiếng bỏ SAT khỏi yêu cầu bắt buộc trong tuyển sinh. Khi đó, nhiều người hy vọng điều này có thể giúp tuyển sinh đại học sẽ trở nên công bằng hơn.

Nhưng đến năm 2024, khi Covid-19 không còn ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục như những năm trước, nhiều trường thay đổi chính sách tuyển sinh, nhưng khoảng 1.800 trường tại Mỹ vẫn không yêu cầu SAT đối với kỳ tuyển sinh năm 2025.

Sự "hỗn loạn" trong chính sách tuyển sinh của các trường đại học lại tiếp tục đưa SAT lên bàn tranh cãi, rằng SAT có thực sự cần thiết trong tuyển sinh đại học hay không.

 Nhiều người nói SAT gây bất bình đẳng trong tuyển sinh nhưng các chuyên gia lại không nghĩ vậy. Ảnh: New York Times.

Nhiều người nói SAT gây bất bình đẳng trong tuyển sinh nhưng các chuyên gia lại không nghĩ vậy. Ảnh: New York Times.

Những tranh cãi

SAT được xây dựng và phát triển vào những năm 1920 bởi giáo sư tâm lý học Carl Brigham - người tin rằng việc nhập cư làm giảm trí thông minh trung bình của Mỹ. Ông đã điều chỉnh các bài kiểm tra của quân đội Mỹ để xác định liệu các bài thi tương tự có thể đo lường trí thông minh của học sinh hay không.

Sau đó, College Board, đơn vị tổ chức SAT, nói với CNN rằng SAT được "sửa đổi hoàn toàn" kể từ những năm 1920 và hiện được dùng để kiểm tra khả năng học tập của trẻ chứ không phải năng khiếu vốn có.

Bàn về bài thi chuẩn hóa này, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia của Mỹ nói rằng SAT, và cả ACT, có thể ảnh hưởng nhiều đến quá trình tuyển sinh đại học. Hiệp hội cũng nhấn mạnh các trường không nên quá phụ thuộc vào SAT, ACT vì đây là những bài thi không toàn diện.

Theo một báo cáo của Technavio vào tháng 10/2023, việc chú trọng vào điểm SAT trong tuyển sinh cũng khiến ngành luyện thi ở Mỹ sinh lời nhanh chóng, ước tính có thể lên đến năm 50 tỷ USD vào năm 2027.

Trong khi nhiều người cho rằng SAT khiến hệ thống giáo dục trở nên bất bình đẳng, một số chuyên ra chỉ ra rằng việc bỏ SAT khỏi công tác tuyển sinh - giống như nhiều trường đã làm hồi dịch Covid-19 - sẽ không xóa bỏ được sự bất bình đẳng đó.

Những chuyên gia này thậm chí còn cho rằng bỏ SAT sẽ khiến bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn. Lý do là học sinh giàu có có thể tiếp cận với cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chương trình âm nhạc, nghệ thuật - yếu tố phục vụ cho việc đăng ký đại học.

Trong khi đó, học sinh gặp khó khăn về mặt kinh tế, lại rất khó để được tham gia những hoạt động như vậy, dù nhiều người trong số đó học rất giỏi và có năng lực.

Không thể bỏ SAT

Ông Daniel Koretz, chuyên gia về chính sách thi cử tại Harvard Graduate School Of Education (Đại học Harvard) nói rằng SAT tồn tại được gần 100 năm qua có thể là nhờ nó mang lại hiệu quả trong việc dự đoán kết quả học tập của một học sinh khi lên đại học.

Nghiên cứu của Harvard được công bố vào tháng 1 vừa qua cũng cho thấy các bài kiểm tra chuẩn hóa có thể dự đoán khả năng học tập của học sinh tốt hơn so với bảng điểm trung học.

Điều quan trọng là nghiên cứu cũng nhận thấy với những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác nhau, khi đạt điểm SAT giống nhau, các bạn cũng sẽ có điểm trung bình đại học gần như "giống hệt nhau"

 Nhiều trường đã khôi phục SAT sau khi dịch bệnh kết thúc. Ảnh: Yasuo Osakabe.

Nhiều trường đã khôi phục SAT sau khi dịch bệnh kết thúc. Ảnh: Yasuo Osakabe.

Vài tuần sau khi Harvard công bố kết quả nghiên cứu này, một số trường vốn không bắt buộc điểm SAT suốt 4 năm qua đã "quay xe" và thay đổi yêu cầu tuyển sinh. Đại học Yale và Đại học Dartmouth là hai trong số đó.

Tháng 2 vừa qua, hai trường này thông báo họ đang khôi phục yêu cầu điểm SAT. Tiếp nối Yale và Dartmouth, loạt tổ chức giáo dục khác như Đại học Brown, Đại học Georgetown, Đại học Florida, Đại học Texas (Austin) và cả chính Harvard cũng tham gia.

Các chuyên gia giáo dục cũng nói với CNN rằng SAT là yếu tố cần thiết cho tuyển sinh đại học vì nền giáo dục Mỹ không có thứ gọi là "tiêu chuẩn", mỗi trường có thể có tiêu chí và caaxsch chấm điểm khác nhau.

Ví dụ, điểm A+ trong chương trình AP tại một học khu có thể tương đương GPA 4.0, nhưng ở nơi khác, A+ lại có thể lên đến 5.0, 4.5 hoặc 4.2. Ngay cả trong cùng một trường và cùng một môn, cách chấm điểm của giáo viên cũng có thể giống nhau.

Trong khi phòng tuyển sinh của các trường đại học không có khả năng giải quyết vấn đề này, SAT lại có thể "đưa mọi đầu điểm về chung một mối" vì bài thi này đánh giá thí sinh với tiêu chuẩn như nhau.

Và đó là lý do mà các chuyên gia tin rằng SAT vẫn có thể tồn tại, trừ khi giáo dục Mỹ thay đổi theo những tiêu chuẩn khác.

"Không nhất thiết phải là SAT, nhưng chúng ta cần một thứ gì đó được chuẩn hóa giống như vậy", giáo sư Ethan Hutt tại Đại học North Carolina, nhấn mạnh.

SAT đã thay đổi nhiều

SAT lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1926 như một cách để mở rộng số lượng ứng viên đại học.

Suốt nhiều thập kỷ qua, College Board liên tục cải tiến và thiết kế bài kiểm tra cũng như cách chấm điểm cho bài thi này.

SAT vốn có 2 phần trắc nghiệm là toán và đọc hiểu, mỗi phần tổng cộng 800 điểm, tổng điểm tuyệt đối sẽ là 1.600. Đến năm 2005, College Board bổ sung phần viết 800 điểm vào bài kiểm tra, nâng tổng điểm lên 2.400 và thêm 45 phút làm bài.

Khoảng 9 năm sau, SAT trở lại mô hình thi trắc nghiệm trước khi loại bỏ hoàn toàn phần thi viết vào năm 2021.

Ngày 9/3, College Board tổ chức thi SAT trên máy. Trong khoảng 2 giờ, hơn 200.000 thí sinh cùng thực hiện bài thi này. Thi SAT trên máy nhanh hơn và các câu hỏi cũng được sắp xếp, điều chỉnh dựa trên khả năng làm bài của thí sinh.

SAT tìm cách cải tiến bài thi do phải cạnh tranh với đối thủ mang tên ACT. ACT ra đời muộn hơn SAT nhưng được ưa chuộng ở nhiều nơi tại Mỹ.

"Khi ACT bắt đầu được chú ý vì thời gian thi ngắn hơn, SAT phải thay đổi để duy trì thị phần của mình", chuyên gia chính sách giáo dục đại học Rachel Rubin nhận định.

So với thời gian trước đại dịch, SAT ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về số lượng thí sinh, từ 2,2 triệu người vào trước dịch xuống còn 1,9 triệu người vào năm 2023. Dù vậy, kỳ thi do College Board tổ chức vẫn dẫn đầu ở Mỹ vì ACT chỉ ghi nhận 1,4 triệu thí snh đăng ký vào năm 2023, giảm khoảng 300.000 thí sinh so với giai đoạn trước dịch.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sat-van-chua-mat-ngoi-vuong-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-my-post1472862.html