Sau 1 tháng 'sắp xếp lại giang sơn', bộ máy chính quyền 2 cấp vận hành ra sao?
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ sắp tới Chính phủ sẽ họp hằng tuần về việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho đến khi tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru, thông suốt, toàn diện.
Chiều 28-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành và sơ kết một tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết một tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VGP
Chính phủ sẽ họp hàng tuần về vận hành chính quyền 2 cấp
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp hằng tuần, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng nêu rõ sắp tới Chính phủ sẽ họp hằng tuần về nội dung này, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho đến khi tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru, thông suốt, toàn diện.
“Những việc đã làm tốt thì tiếp tục làm tốt hơn, những việc chưa làm được thì nỗ lực hơn, các vướng mắc cần tháo gỡ, những việc mới phát sinh thì cần giải pháp phù hợp, giải quyết ngay” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng nhìn nhận “ý Đảng, lòng dân gặp nhau khi chuyển từ trạng thái chính quyền hành chính thụ động, nặng về quản lý sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển, đồng thời giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp”.
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ năm kết quả nổi bật. Trong đó, đáng chú ý là bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành ổn định, thông suốt. Hầu hết các địa phương đã hoàn tất việc sắp xếp tổ chức chính quyền, đảm bảo duy trì hoạt động hành chính không gián đoạn. Chính quyền các tỉnh mới hợp nhất và các xã mới thành lập nhanh chóng đi vào hoạt động, không để khoảng trống quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đến nay, tại 32/34 địa phương đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 32/34 địa phương thành lập 3.127 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã; Hà Nội và Quảng Ninh vận hành theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp và tổ chức các chi nhánh hoặc điểm phục vụ hành chính công.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP
Các dịch vụ hành chính công được duy trì liên tục, không để xảy ra gián đoạn trong quá trình chuyển đổi. Cạnh đó, phạm vi địa giới của nhiều đơn vị hành chính dù có thay đổi lớn, song tình hình địa phương vẫn ổn định, người dân đồng thuận cao.
“Đã đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát” – Thủ tướng nói và nêu rõ Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định. Trong đó đã phân cấp, phân quyền từ trung ương xuống cho địa phương 556 TTHC; phân định thẩm quyền từ cấp huyện cho cấp tỉnh 18 TTHC, xuống cấp xã 278 TTHC; bãi bỏ 74 TTHC.
Đến nay, một số bộ, cơ quan ngang bộ đã phân cấp mạnh mẽ TTHC từ trung ương cho địa phương, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ còn khoảng dưới 30% như Bộ Tư pháp (18,1%), Bộ Nội vụ (26,4%), Thanh tra Chính phủ (32,3%)…
Bộ máy mới đòi hỏi cách ứng xử mới, tư duy mới
Dù vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay, những công việc cần tiếp tục làm liên quan hệ thống thể chế, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, nhiều văn bản dưới luật cần được ban hành hoặc cập nhật kịp thời. Ngoài ra, việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, có tình trạng vừa thiếu vừa thừa; phân cấp, phân quyền vẫn còn giao thoa, vướng mắc.
Cơ chế tài chính, ngân sách chưa thực sự thông suốt, nhiều địa phương phản ánh ngân sách cấp xã còn hạn hẹp, trong khi phải quản lý địa bàn rộng hơn trước; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của chính quyền 2 cấp còn có bất cập, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin…
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới quán triệt quan điểm là hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công "6 rõ", "không nói không, không nói có, không nói khó mà không làm".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ chung của các bộ ngành, địa phương trong thời gian tới là tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp. Đặc biệt là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp; nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, kiện toàn lãnh đạo cấp xã.
Trong giai đoạn đầu vận hành mô hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các Bộ cần chú trọng hướng dẫn về TTHC, quản lý ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực cho cấp tỉnh, cấp xã... theo đúng thẩm quyền từng cấp. Song song với trao quyền, phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tránh tình trạng địa phương hiểu chưa đúng hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Về cơ chế tài chính – ngân sách, ông chỉ đạo xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo nguồn lực cho địa phương hoạt động hiệu quả. Đối với các tỉnh, TP mới hình thành trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cũ, cần tính toán cơ chế hỗ trợ, điều hòa nguồn lực hợp lý.
“Các cơ quan trung ương và địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công sau sáp nhập, sử dụng hiệu quả các trụ sở, tránh thất thoát, lãng phí…” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng mục tiêu, yêu cầu tại Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn. Nhanh chóng khắc phục các lỗi trên các hệ thống thông tin do các bộ, ngành quản lý; hoàn thành trong tháng 8.
“Tất cả phải vào cuộc, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thuộc thẩm quyền. Bộ máy mới đòi hỏi cách ứng xử mới, tư duy phải đổi mới, hành động phải quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đặc biệt là trong chuyển đổi số, xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu của các ngành” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã nâng cấp, kết nối thông suốt với 34/34 Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh từ ngày 1-7.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đáp ứng yêu cầu 120.000 người dùng đồng thời (CCU). Từ ngày 1-7 đến nay, hệ thống ghi nhận số lượng người dùng cao nhất đạt khoảng 50.000 người dùng đồng thời (41,6% công suất).