Sau 11 năm, sẽ lại có 2 đội V .League rớt hạng?
V.League chỉ còn 2 vòng đấu vào ngày 15 và 22-6 nhưng cuộc chiến trụ hạng vô cùng nóng bỏng, khi có đến 5 đội trong vòng nguy hiểm: SHB.Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, SLNA và TP.HCM. Với nhóm cuối bảng này, vị trí thứ 12 là an toàn nhưng ngay cả về áp chót, phải đi play-off gặp đội á quân Giải hạng Nhất cũng là chiếc phao cứu sinh.

Rất có thể mùa này có 2 đội V.League phải xuống hạng.
Bởi theo thống kê, 20 năm qua, trong 11 mùa giải có tổ chức đá trận play-off tranh suất dự V.League, có đến 8 lần phần thắng thuộc về các đội V.League (chiếm 72,7%). Chỉ có 3 trận play-off “ngựa về ngược”, đội hạng trên phải xuống hạng là Hải Phòng ở mùa 2006 (hòa Huế 1-1 sau 120 phút và thua 3-4 trong loạt sút luân lưu 11m), Bình Định năm 2008 (thua Đồng Tháp 0-1) và gần nhất là ở mùa 2014, An Giang thất bại 0-3 trước Cần Thơ. Tuy nhiên, đó là giai đoạn các đội hạng Nhất còn có ngoại binh, từ mùa 2015, khi Giải hạng Nhất sạch bóng cầu thủ nước ngoài, “level” giữa 2 giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam càng giãn cách.
An Giang là đại diện V.League cuối cùng không trụ hạng được, khi 4 mùa giải thể thức play-off được áp dụng gần đây các “đàn anh” đều toàn thắng, cho dù cũng không được dùng ngoại binh: Long An (năm 2016), Nam Định (năm 2018, hòa Hà Nội B 0-0 và thắng 5-3 trong loạt sút 11m luân lưu), Thanh Hóa (năm 2019, thắng Phố Hiến 1-0) và mùa rồi là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (thắng PVF-CAND 3-2).
Tuy nhiên, mùa này gió có thể đổi chiều. Ở Giải hạng Nhất, ngoài Phù Đổng Ninh Bình (PĐNB) đã đoạt chức vô địch cùng tấm vé thăng hạng trực tiếp trước 3 vòng đấu, ngôi á quân cùng suất đi play-off chắc chắn sẽ thuộc về một trong 2 đội bóng Trường Tươi Bình Phước (TTBP) hoặc PVF-CAND. Đây là 2 đội có thừa tiềm lực cho quyết tâm thăng hạng, là “da hạng Nhất nhưng hồn V.League” với hàng loạt hảo thủ từng chinh chiến ở hạng trên, thậm chí là những tuyển thủ quốc gia, cái tên sao số mà các đội V.League cũng phải thèm muốn. TTBP là Công Phượng, Hồ Tuấn Tài, Lê Thanh Bình, Bùi Tấn Trường, Sầm Ngọc Đức, Minh Tâm, Tấn Sinh, Sỹ Giáp, Anh Tỷ, Dủ Đạt, Lưu Tự Nhân, Phi Sơn... PVF-CAND sau 2 mùa đá play-off, quyết không “quá tam ba bận”, bên cạnh dàn cầu thủ trẻ trung từ lò đào tạo mà nay đã trưởng thành như: Công Đến, Xuân Bắc, Thanh Nhàn, Bá Đạt…, 2 mùa qua chiêu mộ thêm những gương mặt dày dạn kinh nghiệm: Phí Minh Long, Huy Hùng, Xuân Nam, Ngọc Sơn, Hồ Thanh Minh, cùng 2 cầu thủ Việt kiều Martin Lo, Ryan Ha và đặc biệt là huấn luyện viên Thạch Bảo Khanh đã thay Jeronimo.
Với dàn cầu thủ không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn như vậy, gặp TTBP hay PVF-CAND ở trận play-off, không có ngoại binh, đội V.League hoàn toàn có nguy cơ trượt chân rớt hạng. Để “bình đẳng” nhưng việc không được sử dụng cầu thủ nước ngoài ở trận cầu quyết định cuối mùa bạc tỷ là một bất lợi lớn cho đại diện V.League, bởi từ đầu mùa các huấn luyện viên hầu như đã xây dựng sơ đồ chiến thuật, lối chơi dựa trên 3 ngoại binh, nay phải thay đổi, xáo trộn hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống.
Khi bỏ ngoại binh, V.League không lấn lướt hạng Nhất. Bằng chứng là ở Cúp Quốc gia, mùa trước, Thể Công-Viettel chỉ thắng được PVF-CAND trong cuộc đấu cân não. Còn mùa này, dù được chơi trên sân nhà nhưng các đội TP.HCM, B.Bình Dương vẫn bất lực trước PĐNB, Hà Nội FC cũng bị Đồng Tháp cầm hòa ngay trên sân Hàng Đẫy; tương tự, chủ nhà HAGL chỉ vượt qua TTBP trên chấm 11m luân lưu hay SHB.Đà Nẵng trước Hòa Bình FC. Ở chính trận play-off năm rồi, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh suýt “chết” trước PVF-CAND khi bị dẫn trước.
Vì vậy, hoàn toàn có thể V.League 2024-2025 có đến 2 đội rớt hạng.
Từ bài học SHB.Đà Nẵng, để đủ sức chinh chiến tại V.League 2025-2026, PĐNB đã sớm bắt tay chuẩn bị lực lượng. Ngoài nhắm tới 3 ngôi sao của B.Bình Dương: Đức Chinh, Tiến Linh, Quế Ngọc Hải cùng tuyển thủ Hồ Tấn Tài của TTBP, PĐNB có thể thanh lý 2/3 cầu thủ hiện tại để thay bằng những cái tên đẳng cấp hơn. Trong khi đó, TTBP nhiều khả năng sẽ có đội trưởng Minh Vương của HAGL.