Sau 11 năm, Syria chính thức hòa nhập cùng Liên đoàn Ả Rập
Syria đã kết thúc hơn một thập kỷ chia tách khỏi Liên đoàn Ả Rập vào ngày 15/5. Các quan chức nước này đã được tham gia vào một phiên họp chuẩn bị trước thềm hội nghị thượng đỉnh vào thứ Sáu này tại Saudi Arabia, theo AFP.
"Tôi đã mượn cơ hội này để chào mừng Cộng hòa Ả Rập Syria hòa nhập cùng Liên đoàn các quốc gia Ả Rập," Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan phát biểu tại cuộc họp được kênh truyền hình nhà nước Al Ekhbariya truyền hình trực tiếp.
Ông Jadaan cho biết ông "mong muốn được hợp tác với tất cả để đạt được những gì chúng tôi mong muốn", khi máy quay hướng về phái đoàn Syria.
Đây là lần đầu tiên các quan chức Syria tham gia một cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập kể từ khi Liên đoàn đình chỉ tư cách tham dự Damascus vào tháng 11 năm 2011 do cuộc xung đột nghiêm trọng tại nước này khiến hơn 500.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời.
Đầu tháng 5 năm nay, Liên đoàn Ả Rập đã chính thức chào đón sự trở lại của chính phủ Syria, đảm bảo rằngTổng thống Bashar al-Assad sẽ quay lại bàn đối thoại cùng lãnh đạo các nước Ả Rập.
Vua Salman của Saudi Arabia đã mời ông Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu tới tại thành phố cảng Jeddah ở Biển Đỏ. Đây sẽ là lần tham dự đầu tiên của ông kể từ sau cuộc họp năm 2010 ở Libya.
"Đây là cơ hội mới để chúng tôi nói với những người anh em Ả Rập rằng chúng tôi không nhìn về quá khứ mà hướng tới tương lai", Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cho biết khi hạ cánh xuống Jeddah vào tối thứ Hai.
Hãng thông tấn chính thức của Syria Sana dẫn lời ông Mekdad cho biết: "Có rất nhiều thách thức mà chúng ta phải thảo luận và cần hợp tác để đối phó, bao gồm cả cuộc xung đột Ả Rập-Israel".
'Đoàn kết Ả Rập'
Các nước trong khu vực Arab đang dần có thái độ tích cực với ông Assad khi ông nắm giữ quyền lực và giành lại được nhiều vùng lãnh thổ đã mất với sự hỗ trợ quan trọng từ Iran và Nga.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thiết lập lại quan hệ với Syria vào năm 2018 và gần đây đang dẫn đầu nỗ lực tái hòa nhập Damascus. UAE cũng đã mời ông Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Dubai vào cuối năm 2023, hãng tin Sana đưa tin hôm thứ Hai.
Hoạt động ngoại giao giữa các bên cũng đã tăng lên sau trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2 vừa qua.
Trong phiên họp chuẩn bị hôm thứ Hai, Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammad Samer al-Khalil đã kêu gọi các quốc gia Ả Rập đầu tư vào đất nước của ông vì đang có "các cơ hội đầy hứa hẹn và luật mới thu hút đầu tư", theo hãng tin Sana.
Riyadh, quốc gia đã cắt đứt quan hệ với chính phủ của ông Assad vào năm 2012, tuần trước đã xác nhận rằng hai bên sẽ nối lại hoạt động của các cơ quan ngoại giao.
Trong khi xung đột ở Syria hầu như đã lắng xuống, phần lớn khu vực phía bắc vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ và không có giải pháp chính trị nào cho cuộc xung đột. Các nhà ngoại giao hàng đầu từ 9 quốc gia Ả Rập đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria tại Saudi Arabia vào tháng 4 và 5 ngoại trưởng khu vực, bao gồm cả Syria, đã gặp nhau tại Jordan vào ngày 1/5.
Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit cho biết hôm thứ Hai rằng sự trở lại của Syria có thể hồi sinh lại "sự đoàn kết Ả Rập", theo một tuyên bố do cấp phó của ông Hossam Zaki đưa ra.
Vẫn còn những thách thức lớn
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong khu vực cũng nhanh chóng hàn gắn quan hệ với ông Assad.
Qatar hồi tháng 5 cho biết họ sẽ không bình thường hóa quan hệ với chính phủ của ông Assad. Tuy nhiên, họ cho biết hành động của họ sẽ không ảnh hưởng tới việc Syria tái hòa nhập Liên đoàn Ả Rập.
Về phía Liên đoàn Ả Rập, ông Aboul Gheit cho biết "bầu không khí tích cực" được tạo ra sau khi một số tranh chấp trong khu vực kết thúc "không nên đẩy chúng ta ra khỏi thực tế mà khu vực Ả Rập đã chứng kiến trong nhiều năm qua, đó là sự tích tụ và chồng chéo các thách thức nghiêm trọng".
Ông nói thêm, trong số này có "làn sóng di cư mới", liên quan đến cuộc xung đột kéo dài hàng tháng qua ở Sudan - một quốc gia thành viên của Liên đoàn Ả Rập. Cuộc xung đột này đã khiến khoảng 200.000 người phải rời khỏi đất nước và hàng trăm nghìn người khác phải di dời.
Cuộc xung đột dự kiến vẫn sẽ là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào thứ Sáu.
Tuần trước, một nhà ngoại giao cấp cao của Saudi cho biết tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan đã được mời đại diện cho Sudan nhưng không rõ ai sẽ tham dự.
Đại diện của ông Burhan và đối thủ của ông, lãnh đạo lực lượng bán quân sự Mohamed Hamdan Dagalo, đã ở Jeddah hơn một tuần để đàm phán với sự trung gian hòa giả của Saudi Arabia và Mỹ.
Hôm thứ Năm tuần trước, hai bên đã ký một thỏa thuận cam kết tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo, nhưng họ vẫn chưa đồng ý về các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn.