Sau 2 năm, hộ dân di dời trượt sạt đường 445 vẫn mượn nhà ở tạm
Những ngày cuối tháng 7 năm 2018, mưa lớn liên tiếp đã làm đứt khoảng 100 m đường 445 (km 3 - khu vực xóm Máy Giấy), làm trượt sạt mái ta luy dương và mái ta luy âm, khiến 8 hộ dân khu vực này phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, sau 2 năm, người dân vẫn đang nương náu ở tạm khu nhà máy giấy Kỳ Sơn, cuộc sống khó khăn, chưa ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Sơn Hà, tổ 11, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) ở tạm nhà của người quen khu vực nhà máy giấy Kỳ Sơn.
Trung tuần tháng 5, chúng tôi trở lại thăm hộ dân khu vực trượt sạt khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn cũ), nay là tổ 11, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình), nơi 2 năm trước xảy ra sạt lở nghiêm trọng, chính quyền đã phải cấp bách di dời hộ dân đến cách đó khoảng 1 km. Gia đình ông Hà Văn An là hộ dân di dời khẩn cấp, hiện mượn nhà ở khu vực nhà máy giấy Kỳ Sơn, cuộc sống tạm bợ đã khoảng 2 năm nay. Vợ ông An, bà Nguyễn Thị Mến buồn bã giãi bày: Gia đình được tiền đền bù vì nằm trên khu vực mái ta luy dương, phải xúc dọn để làm đường, nên để dành được chút tiền. Thấy chính quyền, Nhà nước đo đất, san ủi, làm khu tái định cư cho người dân bị sạt lở đã hoàn thành, chúng tôi cũng mừng. Nhưng chờ mãi chưa thấy Nhà nước làm thủ tục để vào khu tái định cư. Hiện, mấy gia đình đang ở tạm trong nhà máy giấy, điều kiện sinh hoạt, ăn ở cũng nhiều bất tiện, khó khăn. Mới đây, có thông tin sẽ đòi lại nhà, bà con cũng thấp thỏm, vì chưa biết phải chuyển đi lúc nào và chuyển đi đâu. Cả 8 gia đình đều cố gắng khắc phục, song chẳng thể yên tâm sinh sống, làm ăn. Đã có một số hộ dân quay về khu vực trượt sạt cũ.
Gia đình ông Nguyễn Sơn Hà hiện vẫn đang ở nhờ tại nhà của một người quen ở khu vực nhà máy giấy Kỳ Sơn. Gia đình ông có 5 người, 2 người đi làm nơi khác, còn lại ông và 2 người con bị khuyết tật, ở trong căn nhà chật chội. Cuộc sống khó khăn nên mọi thứ không thể tạm bợ hơn. Ông Hà cho biết: Gia đình tôi là 1 trong 4 hộ dân nằm ở khu vực ta luy âm, nhà bị trượt sạt, sụt lún về phía bờ sông, 2 năm trước phải di dời khẩn cấp. Nhưng lại không nằm trong diện đền bù, chỉ được Nhà nước hỗ trợ di dời (20 triệu đồng). Cũng may có người quen cho mượn nhà ở tạm ở khu nhà máy giấy. Và ở từ khi đó đến nay. Hiện tại, nguồn sống chủ yếu là 2 người đi làm gửi về và chăn nuôi thêm. Bây giờ không có mưa lớn, đất đai đã ổn định, chỉ mong quay trở lại nhà cũ để chăn nuôi, trồng trọt, tích cóp, vay mượn được để mua nhà ở tạm. Chẳng dám mơ được vào ở khu tái định cư của Nhà nước, vì không có tiền và khi vào đó lại phải xây nhà, tốn kén lắm, không thể xoay sở được.
Ông Phạm Đình Đề, tổ trưởng tổ 11, phường Kỳ Sơn cho biết: Trận mưa lớn lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018 đã gây đứt đường 445 (km 3), trượt sạt nghiêm trọng, nhà ở của một số hộ dân khu vực ta luy âm trượt và chảy sệ xuống sông, ở ta luy dương cũng có những cung trượt dài, đất, đá đổ ập suống đường, gây ách tắc suốt nhiều ngày. Nhiều hộ dân ở ta luy dương, nhà bị tụt xuống đường. Nhà các hộ dân ở ta luy âm cũng tường nẻ, đổ vỡ, nghiêng cả xuống sông Đà. Trên địa bàn lúc ấy có 8 hộ phải di dời khẩn cấp, khoảng hơn 20 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm phải di dời. Bên cạnh đó, người dân cũng phải tổ chức di dời nhiều phần mộ, nếu không sẽ bị trượt xuống đường, xuống sông. Đến nay, đời sống người dân di dời gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân đang phải ở nhờ tập trung ở khu vực nhà máy giấy Kỳ Sơn. Người dân, xóm đã kiến nghị nhiều với Nhà nước, mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp sớm bố trí các hộ dân vào khu tái định cư đã cơ bản hoàn thiện, để họ sớm ổn định cuộc sống.