Sau 2 năm, rùa biển đã quay trở lại đẻ trứng ở Hòn Cau

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong), sau 1 đêm mưa lớn, cuối tuần qua, trong quá trình đi tuần tra, đội kiểm soát của Ban quản lý đã phát hiện 1 ổ trứng rùa biển với 78 trứng tại bãi Tràng Dão.

Được biết, khu vực này có rạn san hô phong phú, nguồn thức ăn đa dạng với các loài rùa biển. Mặc dù chưa xác định chính xác loài của rùa mẹ, nhưng theo dự đoán đây có khả năng là giống đồi mồi quý hiếm. Ngay sau khi phát hiện, nhân viên Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã thu gom, bảo quản và di dời toàn bộ số trứng về nơi bãi đẻ để trứng được nở an toàn, tránh bị lấy trộm, trước khi thả rùa con về lại với biển.

Đội tuần tra của Khu bảo tồn biển Hòn Cau phát hiện ổ trứng rùa biển. (ảnh: KBT Biển Hòn Cau)

Đội tuần tra của Khu bảo tồn biển Hòn Cau phát hiện ổ trứng rùa biển. (ảnh: KBT Biển Hòn Cau)

Theo Ban Quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau, đây là lần đầu tiên trong năm nay, rùa biển đến Hòn Cau đẻ trứng. Trong điều kiện thời tiết bình thường, trứng sẽ nở sau 45 - 60 ngày. Được biết, vào năm 2021, 1 cá thể rùa biển (Vích) đã lên bờ sinh sản thành công dưới sự hỗ trợ giám sát của các nhân viên Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau và các cộng tác viên trên đảo với 126 trứng. Đây là số lượng trứng nhiều thứ 2 trong 1 lần sinh được ghi nhận tại đảo Hòn Cau. Lần nhiều nhất được ghi nhận vào năm 2013 với 154 trứng/1 lần sinh. Trong 2 năm tiếp theo 2022 và 2023, rùa có lên Hòn Cau nhưng không đẻ trứng. Như vậy sau 2 năm gián đoạn, rùa biển đã quay trở lại Hòn Cau để đẻ. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đều phát hiện nhiều cá thể rùa mẹ lên bờ sinh sản với cả ngàn trứng nở thành công.

Nhân viên Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã thu gom, bảo quản và di dời toàn bộ số trứng về nơi bãi đẻ an toàn (ảnh: KBT Biển Hòn Cau)

Nhân viên Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã thu gom, bảo quản và di dời toàn bộ số trứng về nơi bãi đẻ an toàn (ảnh: KBT Biển Hòn Cau)

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho rùa mẹ vào mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 AL), nhân viên, tình nguyện viên khu bảo tồn thường xuyên tuần tra, canh rùa lên ở các bãi biển vào ban đêm để hỗ trợ rùa sinh sản. Khi phát hiện rùa đẻ sẽ lập tức di dời ổ trứng và xóa sạch dấu vết của rùa mẹ nhằm tránh bị các đối tượng phát hiện gom trứng và bắt rùa mẹ buôn bán trục lợi.

Rùa biển sau khi nở sẽ được thả về môi trường tự nhiên (ảnh: N. Lân)

Rùa biển sau khi nở sẽ được thả về môi trường tự nhiên (ảnh: N. Lân)

Hòn Cau là đảo nhỏ nằm cách đất liền khoảng 10km, là một trong 16 khu bảo tồn biển có ý nghĩa đặc biệt với môi trường biển Việt Nam. Toàn bộ diện tích của khu bảo tồn biển rộng khoảng 12.500 ha. Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái đa dạng gồm rạn san hô, thảm cỏ biển và cũng là nơi sinh sống, là bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng. Trong số đó, rùa biển là loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Vòng đời của rùa có thể lên đến cả trăm năm. Sau khi sinh ra và trưởng thành phải mất khoảng từ 25 đến 30 năm thì rùa biển mới bắt đầu thời kỳ sinh sản. Rùa biển thường quay trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng (đây là tập tính tự nhiên), mỗi lần đẻ khoảng từ 100 - 180 trứng, mỗi năm đẻ từ 3 - 5 lần. Rùa biển cái bò lên bãi biển để đẻ và đẻ ít nhất 2 lần trong một mùa sinh sản, nhưng cũng có những con chỉ đẻ một lần hoặc có thể đẻ hơn 10 lần trong một mùa.

MINH VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/sau-2-nam-rua-bien-da-quay-tro-lai-de-trung-o-hon-cau-122893.html