Sau 2 vụ tai nạn thương tâm, phụ huynh đề nghị phải được tham gia chọn địa điểm trải nghiệm của học sinh
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mỗi chuyến tham quan, trải nghiệm, nhiều phụ huynh kiến nghị khâu lựa chọn địa điểm, đơn vị phối hợp tổ chức cần có sự tham gia của phụ huynh.
Chỉ trong một ngày (14/1), hai vụ tai nạn thương tâm khiến 2 học sinh tử vong trong chuyến đi trải nghiệm do nhà trường tổ chức, đó là 1 học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP.HCM) rớt xuống vùng biển nhân tạo ở khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) rồi tử vong.
Còn tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ một vụ tai nạn làm 2 học sinh trường THPT Đông Anh (Hà Nội) bị thương và 1 học sinh tử vong do toa tàu lượn siêu tốc trật khỏi đường ray rơi xuống.
Đây không phải lần đầu, vụ việc học sinh bị tai nạn, thương vong trong chuyến tham quan, trải nghiệm do nhà trường tổ chức, bởi trước đó dù đã có các vụ tai nạn xảy ra cũng như nhiều cảnh báo nguy cơ mất an toàn nếu chuyến đi xa, địa điểm núi rừng, sông suối, ao hồ, đặc biệt là nơi có nhiều trò chơi tiềm ẩn nguy hiểm… Những vụ tai nạn không chỉ là nỗi đau đối với gia đình các em học sinh, mà với nhiều bậc phụ huynh, sau mỗi vụ việc ai nấy đều xót thương và mong muốn những chuyến đi phải thực sự an toàn.
Có hai con đang học THCS, THPT, chị Thu Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi đau xót khi biết tin một học sinh tử vong do tai nạn trong chuyến đi trải nghiệm. Chị Thảo cho biết: "Khi xem thông tin một học sinh trường THPT Đông Anh tử vong và hai em học sinh khác bị thương khi toa tàu lượn siêu tốc bật khỏi đường ray, tôi đã bật khóc vì thương các cháu. Tai nạn là điều không ai mong muốn, nhưng với những chuyến đi chơi của học sinh, địa điểm và cách thức tổ chức rất quan trọng, vì càng nơi ít nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ an toàn hơn".
Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh tại Hà Nội cho rằng, khi tai nạn trong chuyến đi tham quan, dã ngoại, trải nghiệm của học sinh do nhà trường tổ chức thì trách nhiệm thuộc về nhà trường, đơn vị phối hợp tổ chức… Tuy nhiên, khi sự việc đã xảy ra rồi, có trách nhiệm thế nào cũng không thể lấy lại được. Vì thế, khâu tổ chức phải làm sao an toàn đến mức cao nhất, chứ không phải đi lấy được, đi cho thành thông lệ.
Đề xuất phụ huynh phải được tham gia lựa chọn địa điểm, giám sát chương trình, hoạt động của chuyến tham quan, trải nghiệm của học sinh, phụ huynh Trần Quang Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Đã đến lúc phụ huynh phải được tham gia vào quá trình lựa chọn địa điểm, đơn vị phối hợp tổ chức, chương trình chuyến đi… Phụ huynh là người đóng tiền và quyết định con em mình có tham gia các chuyến đi hay không nên vai trò cũng rất quan trọng. Nếu như chuyến đi không an toàn, phụ huynh có quyền biểu quyết để hủy địa điểm, thậm chí chuyến trải nghiệm đó. An toàn trong mỗi chuyến đi phải được đặt lên hàng đầu".
Chia sẻ về công tác tổ chức chuyến đi hiệu quả, an toàn trong nhiều năm qua, một số lãnh đạo trường THCS, THPT tại Hà Nội cũng "bật mí", hàng năm nhà trường tổ chức hai lần, sau khi kết thúc học kỳ. Địa điểm tổ chức thường là những nơi giúp học sinh tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, truyền thống…
Những nơi trong rừng, có nhiều sông, hồ, tắm biển sẽ ít được lựa chọn và bản thân phụ huynh cũng rất hay phản đối, không cho con đăng ký tham gia các địa điểm có các trò chơi mạo hiểm, nơi có ao hồ, sông suối… Sau mỗi chuyến đi, học sinh đều nộp báo cáo thu hoạch chuyến đi, do đó học sinh rất nghiêm túc khi tham gia các chuyến đi.
Theo quy định hiện nay của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học khi lựa chọn địa điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tham quan, học tập ngoại khóa cho cán bộ giáo viên, học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, đối tượng tham gia. Việc tổ chức phải được thống nhất và đồng thuận của phụ huynh học sinh. Phải lựa chọn những đơn vị (công ty) cung cấp dịch vụ có đủ năng lực, uy tín, xe vận chuyển đảm bảo chất lượng. Bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh bảo đảm an toàn khi tổ chức.