Sau 3 tuần thử nghiệm công nghệ Nano Nhật Bản, bãi rác Nam Sơn đã giảm mùi gần 100%
Sau 3 tuần xử lý và sau 1 tháng vận hành thí điểm xử lý mùi bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản tại khu vực hồ chứa nước thải Bãi rác Nam Sơn, nồng độ mùi tổng hợp và cả nồng độ mùi riêng lẻ của nước rỉ rác đã giảm gần 100%.
Hôm nay 28/01/2021, tại Khu liên hợp XLCT Nam Sơn, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cùng chuyên gia, nhà khoa học đã nghe báo cáo kết quả cập nhật sau 03 tuần xử lý và chứng kiến đánh giá sau 1 tháng vận hành thí điểm xử lý mùi bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Kết quả cho thấy, nồng độ mùi tổng hợp và cả nồng độ mùi riêng lẻ của nước rỉ rác đã giảm nhiều nhất gần đạt 100% (cụ thể lần lượt là 99,4% và 99,9%, giảm nhiều nhất lên tới hơn 1300 lần) đạt cả Quy chuẩn Việt Nam và Nhật Bản.
Đặc biệt, kết quả mùi nền không khí tổng hợp đo tại hiện trường sau 1 tháng xử lý giảm về 1 tức giảm tới 99,7% (trước đó, sau 1 tuần đã giảm 94,2%), đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực người dân sinh sống. Cảm quan không còn mùi hôi thối, dự án đã thành công như dự kiến ban đầu của các chuyên gia.
Khu vực thí điểm.
Nồng độ mùi tổng hợp đo dưới mặt hồ và trên bờ hồ nước rỉ rác trước và sau xử lý.
Thông tin từ ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết mùi hôi thối là mùi của các khí như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), vv... và chính các khí này bốc lên tạo ra mùi hôi thối. Rất nhiều người nghĩ rằng nó tồn tại, đồn trú trên mặt nước nhưng thực tế không phải, các khí này tích tụ, đồn trú, tồn tại ở trong nước và dưới tầng đáy.
Để xử lý mùi hôi thối gây ra do các khí tích tụ trong nước và dưới tầng đáy thì phải có giải pháp cung cấp oxy, nhưng oxy đó phải “lặn” sâu xuống tầng đáy thì mới gặp các khí gây ra mùi đang tích tụ ở tầng đáy thì mới phân hủy được.
Kết quả mùi nước rỉ rác trên bờ hồ sau 03 tuần xử lý (Giảm nhiều nhất xuống 8).
Đo định lượng nồng độ mùi nền không khí tổng hợp: Đã giảm mạnh 99,7% sau 01 tháng xử lý thí điểm.
Mùi nền không khí tổng hợp xung quanh khu vực thí điểm tại hồ H4 (bãi rác Nam Sơn) được cải thiện.
Theo chuyên gia Nhật Bản, sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Tương tự các chiến binh mà khả năng lặn kém thì chỉ 5 giây là ngoi lên mặt nước. Trong khi nếu sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm), bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy.
Thời gian “lặn” 1 lần của bọt khí oxy nano tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần (tức gần 6000 lần). Do vậy hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi “lặn” và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4 vv...
Theo cơ quan chuyên môn và ý kiến của người dân đánh giá thì mùi của bãi rác Nam Sơn chủ yếu là mùi do các ô chứa nước rỉ rác bay lên và gió lùa vào khu dân cư làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Các giải pháp hiện tại mặc dù cũng đã góp phần giảm được mùi ở một mức độ nhưng vẫn là các giải pháp "nhốt" khí, "trùm kín khí" mà chưa phải là giải pháp phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi. Công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản được kỳ vọng là giải pháp sẽ giải quyết tận gốc, triệt để mùi của bãi rác Nam Sơn trong thời gian tới mà không cần sử dụng hóa chất, rất thân thiện với môi trường và đặc biệt là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.