Sau 40 năm đổi mới: Tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho sự phát triển
Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, TP Hà Nội luôn giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp…
Sáng 28/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội,
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới tại Thủ đô Hà Nội đánh giá, sau 40 năm thực hiện đổi mới, TP luôn giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp…
Theo đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều rất tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, gợi mở nhiều vấn đề cho Ban Chỉ đạo tổng kết của TP tiếp thu, hoàn thiện một bước nữa bản Báo cáo tổng kết để gửi lên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo tổng kết của TP, với tinh thần trách nhiệm cao đã cố gắng trong một thời gian không nhiều hoàn thành bản Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với chất lượng tốt, đảm bảo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; được các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng.
TP đã giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có những diễn biến phức tạp. TP Hà Nội luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, kỷ cương được tăng cường. Dân chủ được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những mặt tích cực là cơ bản, cũng còn không ít hạn chế, tồn tại, cũng như đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới như đã nêu trong 3 nhóm tồn tại, hạn chế của Báo cáo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, trong bối cảnh mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo cáo Tổng kết đã đề xuất, kiến nghị quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh... theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là: “Chủ nghĩa xã hội luôn luôn là mục tiêu lớn lao, lý tưởng cao đẹp của Đảng ta và nhân dân ta. Mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và công bằng cho mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội”.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Báo cáo tổng kết có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đánh giá một cách khách quan và khoa học mọi mặt công tác của TP qua 40 năm đổi mới; làm rõ được những kết quả, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; những yêu cầu, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ Thủ đô trong giai đoạn tới.
“Kết quả nghiên cứu của 8 chuyên đề và Báo cáo tổng kết bước đầu đã tạo dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp TP Hà Nội trong công tác tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên, để kết quả của Báo cáo Tổng kết được lan tỏa mạnh mẽ hơn, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, làm tài liệu tham khảo cho các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan nghiên cứu”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ rõ.