Sau 5 năm và hàng ngàn tỷ đồng, mới có 2% nông hộ tham gia chuỗi liên kết

Đến nay cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt dự án liên kết; 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết; mới có 188.000/9.000.000 hộ nông dân, 1.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết.

Nông nghiệp đang được xem là trụ đỡ của nền kinh tế khi thời gian qua đạt mức tăng trưởng khá và góp phần vào tăng trưởng chung.

Hiện nay, trọng tâm chính sách phát triển ngành này là Nghị định số 98 năm 2018 của Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) cho biết trong phiên thảo luận của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vào tuần trước.

Qua gần 5 năm thực hiện nghị định, đến nay đã có trên 2.000 chuỗi liên kết với 744 hợp tác xã, 349 doanh nghiệp trên 107.000 hộ nông dân tham gia. Các địa phương đã phê duyệt 119 sản phẩm chủ lực, trong đó có 13 loại sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Ngân sách đã bố trí hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết. Cả nước đã phát triển trên 9.500 sản phẩm cao cấp từ 3 sao trở lên.

Nhiều thương hiệu nông sản Việt đã và đang được xây dựng, phát triển bằng nhiều đề án cụ thể thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu cá tra, thương hiệu tôm, thương hiệu cà phê...

Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bên cạnh nhiều kết quả nêu trên, đại biểu Tâm cho rằng, còn nhiều vướng mắc từ tổ chức sản xuất, về tính liên kết, tính bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, về thị trường, giá cả và khả năng tiêu thụ khi người nông dân đã dày công nuôi trồng, chăm bón.

Theo đó, cử tri băn khoăn về tốc độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp khi hiện vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, sức cạnh tranh yếu, diện tích được công nhận theo tiêu chuẩn thị trường còn thấp. Hệ thống kinh tế hợp tác trong vai trò dẫn dắt, tập hợp, chủ trì liên kết, phối hợp, nhiều yếu tố cần sự tập trung cao.

Là một trong những giải pháp then chốt, được nhiều kỳ vọng, tuy nhiên khi đi vào xây dựng, thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm cần quan tâm.

Đến nay cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt dự án liên kết; 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết. Số hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết và tỷ lệ hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết chưa cao. 188.000/9.000.000 hộ nông dân tham gia liên kết; 1.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết.

Mức độ hỗ trợ về hạ tầng phục vụ chuỗi liên kết cũng chỉ mang tính tương đối, trung bình 3,3 tỷ đồng một dự án trên định mức hỗ trợ tối đa là 10 tỷ đồng.

Theo đại biểu Tâm, từ những số liệu trên cho thấy, còn nhiều dư địa đối với các chính sách hỗ trợ xác đáng và hợp lý trong khuyến khích tạo lập các chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Đây là điều mà tất cả các chủ thể từ người nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp… đều đang rất mong mỏi.

Hiện nguồn tài chính thực hiện các chính sách hỗ trợ quy định từ các nguồn khác nhau, trong khi thời gian thực hiện kéo dài, quy trình hồ sơ, thủ tục phức tạp, phần nào hạn chế khả năng tiếp cận của các đối tượng có nhu cầu.

Các hợp tác xã (được kỳ vọng là chủ thể chính tham gia xây dựng các chuỗi liên kết) đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế về mặt tài chính, kỹ thuật, quản trị điều hành, chưa chú trọng đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu.

Các liên kết bền vững giữa các chủ thể sản xuất nông nghiệp từ người nông dân, thương nhân, nhà chế biến, không thể chỉ là sản phẩm của chính sách thúc đẩy khuyến khích mà Nghị định 98 là nòng cốt hiện nay.

Theo ông, đó còn là khung pháp lý nhiều chiều, đồng bộ từ chính sách đất đai, pháp luật về kinh tế hợp tác; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, cụm chế biến, gắn với vùng nguyên liệu; hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong điều kiện nhiều áp lực như hiện nay. Từ đó mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu Tâm kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư quan tâm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, để có điều chỉnh hợp lý các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ tại Nghị định 98 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, tập trung các chính sách đất đai, hỗ trợ hạ tầng cho các chủ thể thực hiện liên kết chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, lao động và các hợp tác xã; chính sách hỗ trợ phòng ngừa rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số.

Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, bảo đảm nguồn lực thực hiện là yếu tố then chốt để việc thực thi chính sách có hiệu quả, đồng thời tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện cũng như đối tượng hưởng lợi.

Đại biểu cho rằng, cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện điều chỉnh hợp lý cho chính sách khuyến khích, hỗ trợ tại Nghị định 72 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ liên kết nêu trên, cần xác định đây là một trong những nội dung quan tâm đầu tư trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng hỗ trợ chế biến nông sản gắn với thị trường và vùng nguyên liệu, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu hoặc dù muốn nhưng thực hiện khó khăn.

Cuối cùng, tiếp tục các chính sách hỗ trợ phù hợp các tổ chức kinh tế hợp tác bảo đảm khả năng chủ trì thực hiện liên kết, đủ năng lực thực hiện kế hoạch các dự án đặt ra. Sớm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi); cũng như dự kiến chuẩn bị các nguồn lực đồng bộ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà Luật đã thể chế, bảo đảm khi luật có hiệu lực, tạo được sức bật cho các tổ chức hợp tác như kỳ vọng khi xây dựng luật.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Cùng quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ) nhấn mạnh cần khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Đây là định hướng lâu dài, nhằm giảm thiểu tác động kinh tế từ bên ngoài và bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Theo ông, cần xây dựng giải pháp căn cơ để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Đồng thời, cần xây dựng chính sách cụ thể để hỗ trợ nông dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm chế biến nông sản; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng nhằm bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, các địa phương; gắn kết chặt chẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ với phát triển nông nghiệp bền vững, quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/sau-5-nam-va-hang-ngan-ty-dong-moi-co-2-nong-ho-tham-gia-chuoi-lien-ket-1685963052342.htm