Sau 50 tuổi, số lượng răng có liên quan đến tuổi thọ hay không?
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sức khỏe răng miệng còn liên quan đến tuổi thọ của con người.
Ông Lưu ở Trung Quốc năm nay hơn 50 tuổi. Thời gian trước, răng cửa hàm trên của ông bị rụng không rõ nguyên nhân. Ban đầu ông không quá để tâm, kết quả là răng bên cạnh cũng bị ảnh hưởng. Những chiếc răng bắt đầu rụng hết chiếc này đến chiếc khác khiến ông Lưu vô cùng tự ti.
Những người xung quanh nói với ông rằng răng của ông đã bị rụng rất nhiều, đó có thể là dấu hiệu của việc sức khỏe không tốt, trường thọ ngắn. Ông Lưu cảm thấy lo lắng và quyết định đến khoa răng hàm mặt của bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức.
Răng có liên quan đến tuổi thọ không?
Một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình có 28-32 chiếc răng. Trong đó có 28 chiếc không thể thiếu đối với tất cả mọi người, 4 chiếc còn lại là những chiếc răng khôn mọc “ngang ngược”. Đặc biệt, thời điểm mọc của răng khôn ở mỗi người là khác nhau, có người còn không bao giờ mọc răng khôn trong suốt cuộc đời.
Số lượng răng có thực sự liên quan đến tuổi thọ?
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sức khỏe răng miệng còn liên quan đến tuổi thọ của con người. Một cuộc khảo sát và nghiên cứu từ Đan Mạch đã quan sát 573 đối tượng 70 tuổi. Sau 21 năm theo dõi, kết quả cho thấy những người cao tuổi đã mất hết răng hoặc còn ít hơn 10 răng có tỷ lệ tàn tật lần lượt cao gấp 2,81 lần và 2,13 lần so với những người còn 20 răng trong vòng 5 năm.
Một cuộc khảo sát khác của Thụy Sĩ dựa trên dữ liệu từ 10.000 người trung niên và cao tuổi trên khắp thế giới cho thấy, tuổi thọ trung bình của những người có hàm răng khỏe mạnh dài hơn 11,7 năm so với tuổi thọ của những người bị mất răng.
Mặc dù những nghiên cứu này là nghiên cứu quan sát và không thể kết luận rằng việc mất răng trực tiếp dẫn đến tuổi thọ ngắn hơn. Nhưng chắc chắn việc bị rụng răng có tác động đến chất lượng cuộc sống của người trung niên và cao tuổi.
Tác hại của việc rụng răng
Nhiều người nghĩ rằng con người có 28-32 chiếc răng, thiếu một hai chiếc cũng không sao. Thế nhưng trên thực tế, sau khi một chiếc răng bị rụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cơ thể.
1. Răng rụng nhiều hơn
Khoảng trống hình thành do răng bị mất sẽ làm cho răng hai bên nghiêng dần bởi thiếu sự nâng đỡ khi ăn uống và nhai mạnh. Theo thời gian, các răng khỏe mạnh ở cả hai bên sẽ dần bị lung lay. Các răng ở hàm đối xứng với răng bị mất cũng sẽ ngày càng dài ra do không có răng phía đối diện nâng đỡ, lâu dần sẽ bị lung lay và rụng.
2. Nói chuyện khó khăn hơn
Răng cửa bị mất sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm, đồng thời ảnh hưởng đến hàm răng rất lớn. Khi giao tiếp với mọi người, bạn sẽ có cảm giác bị lọt khí, hụt hơi, giọng nói không rõ ràng, gây khó khăn cho người nghe.
3. Nhìn già hơn
Răng bị rụng hay lệch cũng có thể làm “thay đổi” hình dạng của khuôn mặt. Chúng ta thường quan sát thấy nhiều cụ cao tuổi có khuôn miệng bị móm, đó là do việc thiếu răng sẽ ảnh hưởng đến việc nhai. Đồng thời gây tiêu xương ổ răng, khiến cằm đưa về phía trước, khuôn miệng hóp vào trong, trông rất già.
4. Gánh nặng cho hệ tiêu hóa tăng cao
Sau khi mất răng, nhiều người sẽ giảm sức nhai khi ăn. Mặc dù không cần thức ăn quá nhỏ vẫn có thể nuốt xuống, nhưng đối với một số thức ăn có chất xơ thô nếu vào dạ dày và ruột mà không nhai kỹ sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Để tình trạng này kéo dài sẽ sinh ra các bệnh về đường tiêu hóa.
Tại sao răng bị rụng?
Nhiều người cao tuổi cho rằng khi về già, răng sẽ lung lay và rụng, đó là hiện tượng tự nhiên không thể thay đổi được. Nhưng trên thực tế, rụng răng thực sự không phải là vấn đề do thời gian.
Lu Hongbing, Giám đốc Khoa Nha và Nội nha của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trực thuộc Đại học Y Phúc Kiến (Trung Quốc) cho biết “lão hóa răng” không phải là một hiện tượng tự nhiên. Khi các cơ quan chức năng của người cao tuổi suy giảm và tốc độ trao đổi chất cơ bản giảm dần thì tình trạng răng miệng cũng có những thay đổi rõ rệt, thường gặp nhất là sâu răng và bệnh nha chu. Đây cũng là nguyên nhân thực sự làm cho răng “bị già” ở người cao tuổi.
Tổ chức Y tế Thế giới từng đưa ra mục tiêu "8020", tức là người 80 tuổi còn lại 20 chiếc răng được coi là khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi áp dụng tiêu chuẩn này lên những đối tượng 60 tuổi vẫn có nhiều người không đạt được.
Theo Điều tra Dịch tễ Sức khỏe Răng miệng Quốc gia, số lượng răng bị mất trung bình ở người cao tuổi trên 60 tuổi là khoảng 10 chiếc, trong đó những người mất răng hoàn toàn chiếm 20% tổng số. Tỷ lệ phục hình răng mất chỉ đạt 18%, đa số người cao tuổi đều trong tình trạng bị thiếu hoặc mất răng lâu ngày.
Nguyên nhân phổ biến gây mất răng ở người lớn tuổi
1. Bệnh nha chu
Bệnh nha chu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng rụng răng ở người cao tuổi. Khi hoạt động tiết nước bọt ở người lớn tuổi giảm, khả năng tự làm sạch răng miệng cũng bị suy yếu, nướu bị lão hóa và teo lại làm tăng tỷ lệ mắc bệnh nha chu, gây rụng răng ở người già.
2. Loãng xương
Loãng xương ở người cao tuổi có tỷ lệ thuận đáng kể với tỷ lệ mắc bệnh viêm nha chu mãn tính. Loãng xương ở người già thường biểu hiện bằng loãng xương ổ răng dẫn đến rụng răng.
Bệnh viêm nha chu và bệnh tiểu đường có liên quan qua lại mật thiết với nhau. Bệnh tiểu đường không chỉ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu mà ngược lại, bệnh viêm nha chu có thể phá vỡ việc kiểm soát lượng đường trong máu và làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
4. Chế độ ăn uống nghèo nàn
Ăn thức ăn, đồ uống cứng và có tính axit trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ rụng răng. Thức ăn quá cứng sẽ làm tăng độ ma sát và mòn răng, thức ăn có tính axit cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
5. Hút thuốc
Chất nicotin trong thuốc lá có thể ức chế khả năng hấp thụ oxy của nướu răng, làm nướu nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh và độc tố hơn.
Nguồn: (Theo Toutiao)