Sau 6 tháng, các ngân hàng đã thực hiện được bao nhiêu % mục tiêu lợi nhuận năm?
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy những mảng sáng tối đan xen, với 15/26 ngân hàng TMCP được thống kê ghi nhận LNTT tăng so với cùng kỳ trong khi số còn lại báo lãi giảm. Đáng chú ý, trong khi nhiều ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh khá lạc quan cho cả năm, chặng đường hướng tới mục tiêu lợi nhuận năm đến nay đang cho thấy nhiều thách thức.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý III/2023 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho thấy tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II vừa qua tiếp tục cải thiện nhưng với tốc độ chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.
Thực tế báo cáo tài chính của 26 ngân hàng TMCP trong hệ thống cũng cho thấy 16/26 ngân hàng chưa hoàn thành được một nửa mục tiêu lợi nhuận trước thuế, cá biệt một số ngân hàng mới đi được chưa đầy 1/4 chặng đường trong khi 2 quý đầu năm đã đi qua.
Theo đó, ngân hàng đi xa nhất trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm sau 6 tháng đầu năm là Saigonbank với 61%. Tuy nhiên, đây lại là một trong ba ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm khiêm tốn nhất trong số 26 ngân hàng TMCP được thống kê với kế hoạch LNTT cả năm chỉ 300 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số ngân hàng còn cách khá xa mục tiêu lợi nhuận cả năm dù nửa năm đã trôi qua, như Bản Việt (8% mục tiêu lợi nhuận), Bảo Việt Bank (26%), VPBank (22%), ABBank (24%), Baoviet Bank (26%)...
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào đầu năm nay, trong khi một số ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm có phần thận trọng trong bối cảnh khó khăn từ thị trường BĐS và trái phiếu, áp lực chất lượng tài sản, trích lập dự phòng rủi ro cũng như việc phải tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước những thách thức của nền kinh tế…; một số vẫn tỏ ra lạc quan với kế hoạch lợi nhuận tăng hai chữ số. Chẳng hạn Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 50%, MB Bank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 tăng 25%, ACB đặt mục tiêu tăng 17%, OCB tăng 37%, VP Bank tăng 13%, Eximbank tăng 36%...
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý III/2023 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) gần đây cho thấy sau hai quý đầu năm nhiều thách thức, hầu hết các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong phần còn lại của năm. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,4% trong quý III và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm % so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Về phía giới chuyên gia, nhiều dự báo cũng được đưa ra cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm nay trước khi phục hồi vào năm 2024.
Chẳng hạn, trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2023, các chuyên gia từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận của ngành ngân hàng (ước tính dựa trên nhóm cổ phiếu ngân hàng BVSC phân tích) tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2023 và khoảng 17,6% trong năm 2024 dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.
Trước đó, trong hai quý đầu năm, NHNN đã liên tục thực hiện giảm lãi suất điều hành 4 lần. Điều này tác động làm lãi suất huy động cũng giảm nhanh từ mức đỉnh của đầu năm 2023, giúp biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng có phần ổn định lại trong quý II và dự báo sẽ tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2023.
Về phía Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhóm phân tích cũng dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt khoảng 10% trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp (dự kiến chỉ khoảng 12% trong năm nay - theo VCBS), biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên.
Chung quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có tăng nhưng tăng ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái. "Tôi dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng từ 13-15% trong khi năm ngoái tăng khoảng 33-35%", ông Lực nhận định kèm theo phân tích cho thấy NIM ngân hàng năm nay dự kiến giảm so với cùng kỳ, nợ xấu tăng lên, ngoài ra các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro 50% theo Thông tư 02, thu phí dịch vụ khác cũng khó mà tăng được.