Sau 70 năm, Mỹ có lực lượng quân sự mới
Tổng thống Donald Trump hôm 20-12 ký luật thành lập lực lượng Lầu Năm Góc để chiến đấu ngoài vũ trụ trong nghĩa vụ quân sự mới đầu tiên của quân đội Mỹ trong 70 năm: Lực lượng Không gian Mỹ (USSF).
Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) tài khóa 2020 với mức ngân sách quốc phòng là 738 tỉ USD. Trong đó, NDAA dành ra 40 triệu USD cho Lực lượng Không gian trong năm đầu tiên.
Tại căn cứ Andrews hôm 20-12 (giờ Mỹ), ông Trump đã mô tả không gian là "lãnh địa chiến tranh mới nhất của thế giới". Theo ông Trump, "giữa những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia, sự vượt trội của Mỹ trong không gian là vô cùng quan trọng". "Lực lượng Không gian sẽ giúp ngăn chặn sự xâm lược và kiểm soát vùng đất cao nhất" – ông Trump nói.
Lực lượng Không gian sẽ bao gồm khoảng 16.000 nhân viên không quân và dân sự, một số đã tham gia Bộ Tư lệnh Không gian, theo Bộ trưởng Không quân Barbara Barrett. Họ sẽ có đồng phục, cầu vai riêng và thậm chí là bài hát riêng giống như các nhánh khác của không quân. Dẫn đầu Lực lượng Không gian sẽ là Tướng Không quân Jay Raymond, người đang điều hành SpaceCom.
Theo BBC, USSF không có ý định đưa binh lính vào quỹ đạo nhưng sẽ bảo vệ tài sản Mỹ bằng hàng trăm vệ tinh được sử dụng để liên lạc và giám sát… "Lực lượng Không gian Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách tập trung vào không gian vũ trụ. Mỹ có sự nhạy bén trong không gian vũ trụ tốt nhất trên thế giới" - bà Barrett nói.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ phát triển lực lượng vũ trang sẵn sàng tham chiến trên mặt trận không gian và Moscow bị buộc phải có động thái đáp trả.
Cũng trong ngày 20-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc-2".
Lệnh trừng phạt nằm trong NDAA được Tổng thống Trump ký tại căn cứ Andrews, chọc giận Nga và Liên minh châu Âu (EU). Nga và EU cho rằng cho biết họ có quyền tự định đoạt các chính sách năng lượng của mình.
"Dòng chảy phương Bắc-2" là sự liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 tập đoàn châu Âu là BASF (Đức), E.ON và Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh - Hà Lan), được ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại TP Vladivostok (Nga) từ tháng 9-2015, hoàn thành đường ống dẫn khí đốt vào EU. Mỹ coi dự án trị giá 11 tỉ USD này là một rủi ro an ninh đối với châu Âu.