Sau 80 phút đàm phán ở Washington, Hàn Quốc ra về trắng tay
Seoul đang đối diện sức ép nhượng bộ ngày càng lớn từ Washington khi cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên kéo dài 80 phút tại Thủ đô nước Mỹ đã không đem lại kết quả cụ thể nào trước thời hạn then chốt 1/8.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Kim Jung-kwan, Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo và người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick tại Washington hôm 24/7 (giờ địa phương) đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc gia hạn hoặc điều chỉnh chính sách thuế quan giữa hai nước. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng mức thuế “có đi có lại” 25% đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, bao gồm ô tô và thép, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Từ trái sang: Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Kim Jung-kwan và Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo trong cuộc đàm phán ở Washington ngày 24/7.
Sức ép từ Mỹ...
Theo thông cáo từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Bộ trưởng Kim Jung-kwan đã nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng chiến lược tại Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đóng tàu, bán dẫn và pin điện. Ông kêu gọi Washington cân nhắc các yếu tố hợp tác lâu dài giữa hai nước để giảm bớt các mức thuế đang đe dọa.
"Chúng tôi hoàn toàn cam kết đảm bảo các công ty của chúng tôi không gặp bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác", ông Kim phát biểu. "Phái đoàn thương mại sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo kết quả tốt nhất cho lợi ích quốc gia của Hàn Quốc trước ngày 1/8”.
Tuy nhiên, phía Mỹ dường như đang đặt điều kiện rất cụ thể: Để được hưởng mức thuế thấp hơn, Seoul phải chấp nhận gia tăng đầu tư đáng kể vào nền kinh tế Mỹ và cắt giảm các rào cản thương mại còn tồn tại.
Trong các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Lutnick được cho là đã đưa ra yêu cầu đầu tư lên tới 400 tỷ USD từ các công ty Hàn Quốc như một điều kiện then chốt để Washington cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế. Theo Bloomberg, đây được xem là “con đường ngắn nhất” để ô tô và các sản phẩm công nghiệp Hàn Quốc tiếp tục được hưởng mức thuế ưu đãi tại thị trường Mỹ.
Không dừng lại ở đó, ông Lutnick còn công khai nhắc lại thỏa thuận mới ký với Nhật Bản như một sự so sánh, theo đó Tokyo cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông không ngần ngại chế giễu Hàn Quốc khi cho rằng các quan chức Seoul “hẳn phải thốt lên “Ôi trời” khi đọc được thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản”.
Tổng thống Donald Trump, trong khi đó, phát biểu rõ ràng rằng ông sẽ để các quốc gia “mua đứt” quyền tiếp cận thị trường Mỹ nếu họ chịu đưa ra cam kết đầu tư đủ lớn.
... và khả năng nhượng bộ của Seoul
Trước áp lực gia tăng từ phía Mỹ, giới chức Hàn Quốc đang cân nhắc đề xuất một gói đầu tư trị giá ít nhất 100 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ từ các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Hyundai, LG và SK. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh và kinh tế hàng đầu vào thứ Sáu để bàn thảo chiến lược đàm phán trong giai đoạn nước rút.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, con số 100 tỷ USD vẫn còn quá khiêm tốn so với yêu cầu mà phía Mỹ đang đặt ra, và không đủ để đảo ngược quan điểm cứng rắn hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cánh cửa đàm phán ngày càng hẹp
Thêm vào khó khăn hiện tại, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công du Scotland từ thứ 25-29/7, khiến khả năng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp thêm phần xa vời. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - người đang phụ trách trực tiếp các cuộc đàm phán thuế, cũng sẽ tháp tùng Tổng thống trong chuyến đi này.
Trong khi đó, ông Bessent cũng đang có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán thuế riêng với Trung Quốc tại Stockholm vào ngày 28-29/7. Điều này khiến giới chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của việc Hàn Quốc có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn ngày 1/8.
Nhà phân tích Park Sang-hyun từ iM Securities nhận định: “Thời gian còn lại là vô cùng ngắn ngủi. Khi cả Tổng thống Donald Trump lẫn Bộ trưởng Bessent đều vướng vào các hoạt động ngoại giao dày đặc, cơ hội để kết thúc đàm phán với Hàn Quốc một cách hiệu quả đang ngày càng mờ nhạt”.
Cho đến nay, Washington chưa có bất kỳ bình luận chính thức nào về kết quả cuộc gặp với phái đoàn Hàn Quốc. Trong khi đó, phía Seoul vẫn tìm cách duy trì sự lạc quan một cách thận trọng, nhấn mạnh rằng hai bên đã có "các cuộc thảo luận sâu sắc" và cam kết tiếp tục đối thoại trong thời gian tới.
Cuộc đàm phán hôm 24/7 diễn ra trong bối cảnh một loạt cuộc gặp quan trọng khác giữa hai nước bất ngờ bị Mỹ hủy bỏ vào phút chót. Chỉ hai ngày trước cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại cấp cao "2+2" dự kiến diễn ra ngày 25/7 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công nghiệp hai nước, Mỹ đã đột ngột hủy bỏ, khiến chiến lược đàm phán của Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông Bessent chỉ nêu lý do "hoàn cảnh khẩn cấp", nhưng không đưa ra thông tin chi tiết, cũng như không ấn định ngày họp mới, làm dấy lên đồn đoán tại Seoul rằng Washington có thể đang lợi dụng sự trì hoãn này để giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra.
Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn giữ nguyên lịch làm việc với Bộ trưởng Kim Jung-kwan trong chuyến thăm Washington khiến một số nhà phân tích kỳ vọng rằng hai bên vẫn còn khả năng thu hẹp bất đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tất cả vẫn chỉ dừng ở mức kỳ vọng.