Sau Bạch Mai, đến lượt bệnh viện K cũng xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện vì... cơ chế nửa vời
Bệnh viện K cùng với Bệnh viện Bạch Mai là 2 bệnh viện tuyến cuối đầu tiên triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. Cũng giống như Bạch Mai, sau 2 năm triển khai, Bệnh viện K gặp muôn vàn khó khăn…
Sau khi Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện vào giữa tháng 8 này, đến lượt Bệnh viện K cũng vừa chính thức đề xuất xin thay đổi mô hình tự chủ toàn diện sang hình thức tự chủ nhóm 2 thực hiện theo Nghị định 60 (giống như đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai).
GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, từ thực tiễn của ngành y và của chính Bệnh viện K thấy rằng, thực hiện tự chủ toàn diện một cách nhanh chóng, quyết liệt đối với các bệnh viện công chưa phù hợp tại thời điểm này. Phải có những điều kiện đáp ứng nhu cầu hoạt động nhất định cho bệnh viện, sau đó mới tiến tới tự chủ toàn diện nhưng việc này cần phải có lộ trình.
Theo GS.TS Lê Văn Quảng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều là bệnh viện lớn, đầu ngành của cả nước – số lượng bệnh nhân luôn lớn. Sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, giống như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng gặp những khó khăn tương tự về mọi mặt như: giá dịch vụ y tế, một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.
"Vấn đề tuyển dụng nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định, Nghị quyết 33 cũng cho phép bệnh viện được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, chúng tôi chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào"- GS.TS lê Văn Quảng nói.
Mặt khác, đúng trong thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch Covid-19, do đó nguồn thu của Bệnh viện K giảm rõ rệt khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện K, là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, Bệnh viện K cũng phải thực hiện chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Nếu tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này sẽ do Bệnh viện K, Bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả? Điều này vẫn chưa có quy định.
Đặc biệt, Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư – bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém trong khi đa số bệnh nhân nghèo, khó khăn.