Sau bão

Dù có chuẩn bị, xem trước dự báo nhưng ít ai ngờ tới sức bão tàn phá ghê gớm vậy, cũng bao nhiêu năm rồi đô thị biển này mới gặp bão lớn như vậy, không nằm chính tâm mắt bão đi qua, nhưng phần ven rìa mắt bão lại chính là nơi sức gió mạnh nhất.

Cây cối gẫy đổ, bật gốc do bão số 3.

Cây cối gẫy đổ, bật gốc do bão số 3.

Bão số 3 - Yagi như con mụ cuồng ghen với con mắt trợn trừng điên cuồng lao vào xâu xé thành phố của tôi, giống y mụ phù thủy gớm ghiếc với mái tóc xõa tung, áo choàng đen chết chóc, hai bàn tay với xương xẩu móng vuốt trắng ởn lạnh người.

Mụ lao đi gầm thét, cào cấu, cắn xé... giật tung bất kỳ thứ gì mụ gặp trên đường. Gió rít lên từng cơn lúc rin rít sắc lạnh như lưỡi dao, lúc gầm rú hú hét như điên dại hả hê khi hất tung mọi thứ vướng vít lên trên trời. Lúc gió gừ gừ như con thú hoang lượn lờ chờ cơ hội nhảy vào kết liễu con mồi. Lúc ầm ầm, thùng thùng như trống trận, vần vũ như ăn sống, nuốt tươi kẻ tình địch.

Dù có chuẩn bị, xem trước dự báo nhưng ít ai ngờ tới sức bão tàn phá ghê gớm vậy, cũng bao nhiêu năm rồi đô thị biển này mới gặp bão lớn như vậy, không nằm chính tâm mắt bão đi qua nhưng phần ven rìa mắt bão lại chính là nơi sức gió mạnh nhất. Cây cối vật vã trong gió bão, gió vắt từng nắm mưa ném mạnh xuống mặt đất, luồn lách lên vào cả nơi khe vách kín đáo, mưa làm nhão mềm mặt đất. Rễ cây bị đứt ngầm nên khi bị gió ghì rồi thốc lên đột ngột là vòm tán lá kéo gì cây xuống rồi đổ rạp không gượng dậy được nữa. Mái tôn bị gió thổi tốc lên, vò như tờ giấy rồi nâng bổng lên lao đi vùn vụt, chứ đừng nói tới bạt nhựa, hay tấm nhựa ở biển quảng cáo.

Biển báo giao thông, cột điện bê tông cốt thép vững chắc là thế mà nay cái đổ gục, cái dạt nghiêng, cột điện mà bị bẻ gẫy ngang như người ta bẻ đũa, còn lòi thòi lên cả cốt sắt lẫn với đá viên và xi măng.

Sau bão, thành phố tôi chìm trong đống đổ nát hoang tàn, cây bật gốc, gẫy ngọn, lìa cành nằm ngổn ngang, dây điện nhằng nhịt chằng chéo, bạt quảng cáo rách nát tớp tơ phất phơ theo gió. Nước vẫn ngập khắp nơi, lá cây, cành nhỏ lờ đờ trôi theo dòng nước. Khu công viên ngày nào cây xanh gió mát nay tơ tướp tiêu điều như bà cụ ốm lâu ngày giờ ngồi dậy với mái tóc bù xù và gương mặt ngây dại. Phía cảng có cả chiếc cần cẩu siêu trường to nặng chắc chắn như vậy cũng bị gió bão quật đổ. Nhiều cây phượng vĩ bị gió phạt cụt ngang thân như bị chém, chảy nhựa tỏa ra mùi nồng nồng hăng hắc đặc trưng.

Bao nhiêu năm tháng tích chất dồn nhựa mới nuôi lớn được, thân cây mới xòe ra tán rộng, mà nay chỉ phút chốc gục đổ. Cơn cuồng ghen giận dữ của đất trời mang tên Yagi quần thảo quê tôi suốt từ sáng đến tận đêm khuya, mưa to gió lớn, mây đen vần vũ, cơn thịnh nộ của tự nhiên mất kiểm soát như gã say lại còn lên đồng. Điên cuồng tàn phá cánh đồng vô tội, mưa bão phủ trắng băng ruộng hoa màu, ruộng lúa quê tôi, cuốn trôn đi công sức của bao người.

Tôn bay, bạt rách, cây đổ, giao thông ngừng trệ, sinh hoạt gói chặt lại, tường đổ, vách xiêu, hàng hóa ướt hỏng... thiệt hại do bão gây ra nhiều quá. Mất điện, mất nước, sóng viễn thông chập chờn, người ta không liên lạc được với người thân trong mưa bão lại càng thêm lo lắng.

Ôi, thiên tai đến cuốn đi bao thứ theo làn gió hung hãn cả công sức, mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao con người bay đi. Cuốn bay theo gió, vùi dập trong nước cả ước mơ, hy vọng, niềm tin của con người. Biết đến khi nào điện mới cấp, nước mới bơm cho cuộc sống bình thường trở lại. Biết đến bao giờ hàng cây kia mới lại lên xanh, cảnh quan xinh đẹp ấy khi nào mới khôi phục được. Hàng quán nhà cửa phải mất hàng tháng mới khôi phục được.

Bão ác quá, thiệt hại là thế nhưng người dân quê tôi không sợ, dứt mưa, lặng gió là đi thăm hỏi trợ giúp nhau, dọn dẹp sau bão. Từ trong nhà rồi ra đến ngoài đường đều dần dần được dọn dẹp. Lá cây với rác được gom lại để khơi thông dòng chảy, cưa tay, cưa máy hoạt động tối đa để giải phóng mặt đường. Anh cảnh sát giao thông ân cần đỡ dựng xe cho người đi đường với lời dặn dò chân thật. Người ta thương nhau, đoàn kết với nhau hơn trong thiên tai, anh thanh niên cởi trần vạm vỡ lưng đầy hình xăm, vận sức nâng thân cây đổ ngang cho xe máy qua đường. Người kiếm cành cây chống cao dây điện mở lối cho người đi.

Chạy một vòng mới thấy nhiều hình ảnh đẹp sau bão, gió thổi tứ tán mọi thứ nhưng lại thổi gom tình người cho họ gần với nhau hơn. Cô gái môi bơm, ngực bơm kiêu kỳ sang chảnh sẵn sàng rời yên chiếc xe ga đắt tiền, đẩy hộ chiếc xe rác chở nặng qua chỗ nước ngập. Người ta hỏi thăm nhau dù chưa gặp nhau bao giờ, dân quê tôi là thế ngang tàng, không sợ hãi, hỏi thăm nhau cũng đầy sự lạc quan. Không ca thán phàn nàn, chê trời trách đất mà lao vào chặt cây, mở lối, dọn đường. Có ngôi nhà cạnh bờ sông gió thổi lật mái nhà từ sau ra trước như người con gái lật tóc ra phía trước lúc gội đầu. Trong nhà thành trống trơn như mái trời chiếu đất thế mà vẫn bình thản bê bát mì tôm mà hàng xóm bê sang ăn ngon lành rồi mới bắt tay dọn dẹp.

Người quê tôi thế đấy, sáng ra bên chợ vẫn có người mang rau, mang đồ ra bán vì nếu không đi thì biết bao người cần sẽ không có mà mua. Ruộng nhà ngập trắng chắc mất trắng hoa màu nhưng không vì thế mà nâng giá rau cao hơn thường ngày vẫn bán. Có người lượn xe xem tổn thất của bão gây ra tới mức nào, người thì bình thản ngồi uống cà phê, người vẫn chạy bộ theo thói quen như chưa từng có bão. Nhờ họ mà chính tôi lại cảm thấy an lòng, thái độ ấy là thói quen, là bản lĩnh không dễ gì có được.

Cố gắng lên rồi sẽ đi qua, cuộc đời cũng thế qua bão dông khắc sẽ dày dặn trưởng thành, bình thản đón nhận điều đến và đi vì chắc chắn bão qua, trời sẽ xanh trở lại.

Phạm Minh Tuấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/sau-bao-32850.htm