Sau bão số 3, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương thiệt hại hơn 36.000 tỷ đồng
Bão số 3 đổ bộ đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, trụ sở, kho tàng, trường học, nhà dân..., theo thống kê sơ bộ tại Quảng Ninh là khoảng 23.770 tỷ đồng, TP. Hải Phòng gần 11.000 tỷ đồng, tỉnh Hải Dương hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm này, Quảng Ninh có hơn 102.000 nhà bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập, hơn 4.900 nhà bị ngập, sạt lở. Về nông nghiệp có hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 41 tàu bị chìm; hơn 7.400ha hoa màu, lúa bị ngập úng, hơn 2.000 gia súc và hơn 345.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng trồng bị gẫy đổ.
Về điện và viễn thông có hơn 5.400 cây cột điện các loại bị gẫy, đổ; 73 trạm điện, 1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng... Có khoảng 70% cây xanh bị gẫy, đổ; 165 các loại tàu bị chìm, trôi dạt; 148 vị trí sạt lở ta luy dương, 54 vị trí sạt lở ta luy âm; 34 điểm ngập lụt gây ách tắc giao thông. Nhiều nhà cửa cao tầng, trụ sở các cơ quan, trường học bị hư hại nặng; hạ tầng cơ sở ở các khu công nghiệp ven biển tại Thị xã Quảng Yên bị hư hại nặng trên diện rộng.
Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ đến nay của Quảng Ninh là 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc (cả nước thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng).
Về khắc phục, Quảng Ninh đã tập trung vào tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; huy động sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức để hỗ trợ người dân thu dọn, vệ sinh môi trường. Đến nay đã cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt ở vùng biển; trục vớt 165 phương tiện tàu thuyền bị đắm chìm, trong đó có nhiều tàu nuôi cá, tàu vận tải.
Sau bão 99% mạng phụ tải điện bị mất điện, hạ tầng mạng viễn thông hư hại nặng nề. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), các công ty viễn thông, đến 15/9, 70% phụ tải có điện, gần 100% hạ tầng viễn thông được khôi phục lại.
Song song việc khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh cũng đã khôi phục lại kinh tế-xã hội. Hiện nay, 100% cơ sở ngành than, tất cả các khu công nghiệp, nhà máy cũng đã hoạt động lại.
Lĩnh vực du lịch đã hoạt động trở lại. Quảng Ninh đã đón được gần 10.000 khách, trong đó có 7.000 khách quốc tế. Hoạt động xuất khẩu đã hoạt động trở lại từ ngày 9/9, với kim ngạch xuất khẩu đạt 75,6 triệu USD.
Tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế. Dự báo, năm 2024, do ảnh hưởng của bão số 3, GDP của Quảng Ninh sẽ giảm khoảng 0,5-0,6%, nhưng tỉnh cam kết sẽ điều hành, điều chỉnh kinh tế để làm sao năm 2024 tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2 con số.
Việc cần làm hiện nay là tỉnh tiếp tục thống kế toàn bộ số lượng thiệt hại để hỗ trợ người dân; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh Quảng Ninh, tập trung vào đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ học phí, bổ sung kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân, sửa chữa nhà ở, đặc biệt hỗ trợ trục vớt các phương tiện.
Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, Quảng Ninh kiến nghị nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản; bổ sung thêm ngành du lịch, dịch vụ, thương mại dịch vụ, công nghiệp về khoanh nợ, giãn nợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần có chính sách giảm lãi suất, được vay vốn với các hộ nuôi trồng thủy sản và trồng rừng để khôi phục sản xuất; đề nghị tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp nông trường, trồng rừng để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng.
Để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, HĐND tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ họp phiên bất thường vào ngày 23/9.
Tại TP. Hải Phòng, tổng thiệt hại tính đến thời điểm hiện nay được thống kê ước là gần 11.000 tỷ đồng. Về thiệt hại tài sản, toàn thành phố có 102.873 nhà ở bị hư hại; 94 công trình quốc phòng, an ninh, 575 điểm trường bị hư hại; 467 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; 895 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hại.
Có 25.561 ha diện tích lúa, 3.305 ha diện tích hoa màu, rau màu và 3.303 ha diện tích rừng bị hư hại; 82.006 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 4.655 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 3.215 cột điện bị gãy đổ; 70 trạm biến thế bị hư hại; 30.554 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại; 1.268 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại...
Tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là ở mức rất lớn, còn một số đơn vị, địa phương do chưa khôi phục hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc, nên chưa thể đánh giá, thống kê đầy đủ.
Tính đến nay, các sở, ngành, địa phương đề xuất kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 để sửa chữa các công trình thiết yếu, phục vụ các công trình công cộng là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó các đơn vị, địa phương tự cân đối là 150 tỷ đồng, đề xuất thành phố hỗ trợ là hơn 890 tỷ đồng. Dự kiến cân đối ngân sách để hỗ trợ là hơn 1.380 tỷ đồng, trong đó đã chi 75 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho các quận, huyện. Số liệu trên chưa tính toán các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất các vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Về giải pháp khắc phục, TP. Hải Phòng sẽ huy động mọi nguồn lực, cắt giảm, giãn hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết để tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3; khẩn trương phân bổ kinh phí để các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học sửa chữa, khắc phục hậu quả; Có giải pháp hỗ trợ nông dân thiệt hại sản xuất, nông nghiệp sau bão; trước mắt, nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho ngân hàng chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay để phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.
Cùng với các tỉnh khu vực miền Bắc, Hải Dương cũng là địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại do cơn bão số 3. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước tính hơn 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, bão số 3 làm khoảng 7.755 ha lúa bị đổ, ngập; 3.202 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát; 4.372 ha cây ăn quả bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; 65 ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng; 73 con gia súc, 385.605 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ và khoảng 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng.
Bên cạnh đó, bão số 3 làm khoảng 20.650 công trình nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học... bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ. Khoảng 102.000 cây xanh gãy đổ; 1.798 cột điện bị gãy đổ, đứt đường dây, hư hỏng 18 trạm biến áp, gây mất điện diện rộng; 9 trạm BTS bị đổ, đứt một số điểm cáp quang, gây gián đoạn thông tin liên lạc.
Đối với ngành giáo dục, theo thống kê sơ bộ, các trường học trên địa bàn Hải Dương bị thiệt hại nhiều cơ sở vật chất do bão số 3 như: cây đổ, gãy, hệ thống điện, mái tôn, cửa kính, tường bao bị hư hỏng, ước tính hơn 139 tỷ đồng. Nhiều trường bị úng ngập, có nguy cơ nước dâng cao nên phải cho học sinh nghỉ học.
Để ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, Hải Dương đã ban hành 15 công điện chỉ đạo, huy động hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân phòng chống bão lũ, di chuyển người, tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, tỉnh Hải Dương đã cấp ngay 60 tỷ đồng cho 12 huyện, thành phố, thị xã để khẩn trương xử lý, khắc phục hậu quả bão lũ.