Sau bê bối rúng động, sự nghiệp chạm đáy của Phạm Anh Khoa được 'phá băng'
Có lẽ chưa bao giờ không khí Nhà hát Lớn Hà Nội lại sôi động đến cuồng nhiệt như hai đêm Rock Symphony vừa qua. Không thể so sánh với sàn nhảy vì nơi 'thánh đường' chỉ thuần chất một thứ âm nhạc khỏe khoắn, mãnh liệt do hàng trăm con người đồng lòng tạo nên, không chiêu trò, kỹ xảo…
Rock Syphony là một thử nghiệm khá táo bạo song mang lại thành công xứng đáng cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tất nhiên không phải về mặt tiền bạc. Hai đêm diễn cháy vé với mức giá 500 ngàn đến 1,2 triệu đồng/vé, nhưng chương trình vẫn lỗ. Vì theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, muốn hết lỗ, Rock Symphony phải diễn 3 đêm nữa (tương đương một đêm với 3.500 khán giả).
Chương trình cũng làm thay đổi cái nhìn của khán giả về nhạc trưởng Lê Phi Phi. Hóa ra anh là người rất mê rock. Phi Phi đưa ra một nhạc mục mà “dân chơi” 6-7-8X nhìn qua thèm “nhỏ dãi”. Phải nói là cả một trời thanh xuân ùa về. Những bản hit lớn của làng rock, pop, disco thế giới, cả ca khúc và hòa tấu, từ những thập kỷ trước được làm mới bằng giao hưởng và do chính người Việt chơi cho người Việt- còn gì bằng?!
Có nam khán giả quá khích giữa chương trình đã phải hét lên “I love you, Lê Phi Phi” thì biết rồi. Anh chỉ không hát, chứ thần thái không kém bất cứ rocker nào, mỗi khi có dịp quay về phía khán giả. Khi Phạm Anh Khoa ra sân khấu muộn vài giây, nhạc trưởng tuyên bố (bằng tiếng Anh): “May cho cậu nhé! Cậu chỉ chậm thêm một giây nữa là tôi sẽ hát thay!”. Y như rằng ở bài kết, nhạc trưởng tham gia vài câu cùng tập thể nghệ sĩ thật.
Ý tưởng về một đêm nhạc kết hợp rock cùng nhạc giao hưởng của Lê Phi Phi đã được Trần Ly Ly (có vẻ là một cặp trời sinh ngay từ cái tên) và tập thể Nhà hát hưởng ứng hết mình. Ly Ly gọi vụ này là “chơi tất tay” khi tự đầu tư, tự lo bán vé (không tài trợ) - cho nhạc trưởng và các nghệ sĩ có được sân chơi hi hữu. Nhạc trưởng lo tìm bản phối, còn phí tác quyền (nhiều bản phải “nhập khẩu”) do hai nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM chi trả.
Một sự phối hợp đẹp để tạo nên hiệu ứng rock giao hưởng ở cả hai đầu đất nước. Tức là trước Hà Nội, hai đêm Rock Symphony tương tự đã diễn ra tại TPHCM cuối tháng 12 năm ngoái, tất nhiên với nhân sự khác hẳn, mỗi nhạc trưởng không đổi.
Ở Hà Nội, duy nhất Anh Khoa là ca sĩ khách mời, toàn bộ phần thanh nhạc còn lại do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đảm nhiệm. Các nghệ sĩ chuyên diễn opera bỗng lột xác thành các rocker chính hiệu không chỉ ở ngoại hình, trang phục… Mà cũng có thể chỉ là họ trở về sống đúng tuổi. Vì có mấy ai còn trẻ mà không nghe, không thích pop-rock.
Việc dàn hợp xướng xuống dưới chung vui cùng khán giả cuối chương trình cho thấy khi nghệ thuật và khán giả có cùng tiếng nói thì điều gì sẽ xảy ra. Trong sự cuồng nhiệt có cả niềm xúc động khi âm nhạc gần như ngay lập tức khơi lên sự đồng điệu, những ký ức, những cảm xúc tưởng chìm lấp theo thời gian. Lần hiếm hoi nếu không nói là đầu tiên khán giả và nghệ sĩ cùng nhảy, cùng hát ngay tại Nhà hát Lớn.
Rất có thể từ giây phút này, định hình về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch trong nhiều người sẽ thay đổi theo hướng thân thiện, gần gũi hơn… Mặc dù không phải giọng hát nào cũng hội đủ những tố chất đặc biệt để bỗng chốc thay máu nhưng tinh thần rock đã cháy. Đào Tố Loan thậm chí còn “xuống tóc” để bắn nốt cao hơn cả Celine Dion trong All by myself phiên bản thính phòng. Có những nhân tố thực sự gây bất ngờ như Anh Vũ, Tùng Lâm… Với tố chất sẵn có, tương lai họ hoàn toàn có thể theo đuổi rock-opera.
Hát đơn tới 5 bài, toàn hàng "khủng": I don’t want to miss a thing, Bohemian rhapsody, We will rock you, We are the champions, Hotel California - hạnh phúc nhất trong đêm Rock Symphony tại Hà Nội, có lẽ là Phạm Anh Khoa. Không chỉ vì anh có cả một dàn nhạc và dàn bè chuyên nghiệp, đẳng cấp đứng sau. Không chỉ vì đây (chắc) là lần đầu tiên anh được thăng hoa trên sân khấu với đúng sở trường. Mà còn vì sau bê bối rúng động năm kia, đây thực sự là sự kiện có tính chất “phá băng” đối với sự nghiệp tưởng như đã chạm đáy của Khoa. Để rồi Trần Ly Ly phải thốt lên: “Quá tuyệt vời, quá may mắn khi tôi mời được Phạm Anh Khoa”. Vì Nhà hát trong TPHCM cũng có lời mời nhưng Khoa bận không tham gia được.
Nghệ sĩ chỉ xin lỗi bằng lời có vẻ vẫn chưa đủ để xóa đi ấn tượng đã hình thành trong công chúng. Cho đến khi anh ta trở lại, vẫn đứng vững trên sân khấu. Xét cho cùng, chỉ nghệ thuật mới cứu rỗi được nghệ sĩ.