Sau Bộ Tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ có một Bộ Tứ phiên bản Trung Đông?

Sau Bộ Tứ kim cương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể một phiên bản bộ tứ mới đang được hình thành ở Trung Đông, với sự tham gia của cả Mỹ và Ấn Độ.

Chủ nghĩa đa phương quy mô nhỏ có lẽ đang trở thành hình thức được nhiều nước quan tâm. Sau khi Đối thoại An ninh Bộ Tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay Bộ Tứ kim cương gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - đã có những bước đi vững chắc, một phiên bản bộ tứ khác cũng đang được hình thành.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, Ngoại trưởng Ấn Đô S. Jaishankar và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayedon. Ảnh: Twiiter

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, Ngoại trưởng Ấn Đô S. Jaishankar và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayedon. Ảnh: Twiiter

Cuộc họp giữa Ngoại trưởng Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ là một diễn biến đáng chú ý. Các ngoại trưởng 4 nước tổ chức họp vào ngày 20/10 với sự tham dự trực tiếp của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan tham dự theo hình thức trực tuyến.

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar hiện đang có chuyến thăm Israel và ông đã tham gia cuộc họp từ đây.

Thêm một cơ chế đối phó Trung Quốc?

Có một điều thú vị, các ngoại trưởng của 3 trong số 4 nước kể trên đã họp trực tiếp tại Washington trong tuần trước để xem xét tiến trình trong Hiệp ước Abraham giữa Israel và UAE, được ký kết vào tháng 8/2020. Bộ tứ mới này đưa Ấn Độ vào nhóm bộ 3 đó.

Việc hình thành nhóm bộ tứ mới này có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, điều này cho thấy rõ ràng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tích cực tham gia vào việc đáp trả Trung Quốc ở nhiều khu vực. Chính quyền Biden đã thúc đẩy mạnh mẽ sự can dự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ thắt chặt mối quan hệ của các nước Bộ Tứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn thành lập AUKUS – thỏa thuận hợp tác an ninh gồm Australia, Anh và Mỹ. Cả 2 cơ chế này đều cho thấy ý định rõ ràng của chính quyền Biden trong việc đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc thành lập một phiên bản Bộ Tứ mới ở Trung Đông cho thấy Mỹ thừa nhận rằng thách thức từ Trung Quốc đã vượt ra ngoài Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Washington cũng phải đối mặt với thách thức này ở các khu vực khác.

Thứ hai, Ấn Độ cũng có lý do tương tự để tham gia vào các nhóm bộ tứ. Sau cuộc đối đầu ở Galwan năm 2020 và việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cùng Bộ Tứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cần phải nhắc lại rằng, Ấn Độ từng hạn chế tham gia các hoạt động của Bộ Tứ kim cương sau cuộc đối đầu ở Doklam năm 2017.

Trên thực tế, sau cuộc đối đầu ở Doklam khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Vũ Hán và Mamallapuram để tìm cách giải quyết bất đồng. Có thể do kết quả của những nỗ lực này, Ấn Độ sau đó đã hạn chế các hoạt động với Bộ Tứ kim cương.

Việc Ấn Độ tham gia Bộ Tứ phiên bản Trung Đông mới này là cho thấy New Delhi thừa nhận thực tế rằng nước này không chỉ phải đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc ở phía Bắc và phía Đông mà còn cả ở phía Tây.

Thứ ba, cả Ấn Độ và Mỹ đều nhận ra rằng họ cần nhau để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc. Mỹ luôn cảm thấy hài lòng khi tham gia cùng các đối tác khác ở nhiều khu vực, nhưng Ấn Độ chưa bao giờ là một trong số các đối tác đó. Vai trò của Ấn Độ giờ đây khiến nước này trở thành đối tác có giá trị đối với Mỹ, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn ở các khu vực khác.

Mặt khác, Ấn Độ cũng nhận ra rằng, nước này cần Mỹ để theo đuổi các nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng đang lan rộng của Trung Quốc.

Điểm thứ tư cần phải nói đến là những phiên bản bộ tứ - cả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông – đều cho thấy thách thức từ Trung Quốc không chỉ ở khía cạnh quân sự mà còn ở nhiều vấn đề rộng lớn hơn bao gồm cả chính trị và kinh tế.

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, đặc biệt là ở Israel và UAE, cũng ngày càng gia tăng mặc dù cả 2 đều là đối tác an ninh thân cận của Mỹ. Đó không phải là một mối đe dọa an ninh trực tiếp mà là sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở Trung Đông.

Xu hướng chủ nghĩa đa phương quy mô nhỏ

Cuối cùng, Israel và UAE đều là những đối tác của Ấn Độ và Mỹ. Mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên là điều thiết yếu để xây dựng nhóm bộ tứ ở Trung Đông. Ngoài ra, cả Israel và UAE đều là những cường quốc công nghệ mới nổi theo đúng nghĩa.

Sức mạnh công nghệ của Israel trong các lĩnh vực quân sự và dân sự đã được nhiều người biết đến. Dù ít được biết đến hơn, nhưng UAE cũng đang thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như thám hiểm ngoài không gian. Chuyến thăm dò sao Hỏa gần đây của UAE là một trường hợp điển hình.

Ngoài ra, Hiệp ước Abraham đã đưa Israel và UAE xích lại gần nhau, giải quyết một số khó khăn trong việc xây dựng một liên minh ở Trung Đông.

Mặc dù các nhóm Bộ Tứ là một hình thức cụ thể của các cam kết đa phương quy mô nhỏ, nhưng các nhóm như vậy lại phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể. Sẽ có thêm nhiều tổ chức đa phương quy mô nhỏ khác, dù không phải tất cả đều là Bộ Tứ.

Những khó khăn với chủ nghĩa đa phương truyền thống đang dẫn đến sự thay đổi tập trung vào chủ nghĩa đa phương quy mô nhỏ hơn và phiên bản bộ tứ mới ở Trung Đông chỉ là một trong các ví dụ./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Diplomat

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/sau-bo-tu-an-do-duong-thai-binh-duong-se-co-mot-bo-tu-phien-ban-trung-dong-899693.vov