Sau Brexit, nước Anh có thể chứng kiến Orxit
Quần đảo Orkney vốn nằm dưới sự kiểm soát của Na Uy và Đan Mạch trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1472 khi các hòn đảo trở thành của hồi môn cho Scotland. Orkney hiện đang xem xét đòi quyền tự trị nhiều hơn, thậm chí là tách ra độc lập.
Các quan chức trên Quần đảo Orkney, một góc của Scotland, nơi có nguồn gốc Viking cùng tinh thần độc lập, đã nắm bắt được một khoảnh khắc gây chú ý toàn cầu vào ngày 4/7 khi họ tiến hành bỏ phiếu để khám phá những con đường tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn – hoặc thậm chí là tách ra độc lập – khỏi chính phủ Vương quốc Anh.
Các nhà báo từ khắp nước Anh và trên khắp thế giới đã theo dõi từ xa khi Hội đồng Quần đảo Orkney bỏ phiếu nghiên cứu “các mô hình quản trị thay thế” cho quần đảo có dân số 22.000 người này.
Đề xuất trên từ lãnh đạo hội đồng James Stockan đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi đề cập đến khả năng khôi phục “các mối quan hệ với Bắc Âu” của Orkney.
Quần đảo Orkney vốn nằm dưới sự kiểm soát của Na Uy và Đan Mạch trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1472 khi các hòn đảo được Scotland lấy làm một phần của hồi môn đám cưới giữa công chúa Margaret của Đan Mạch cho Vua James III của Scotland.
Ông Stockan cho biết đề xuất của ông “không phải là về việc chúng tôi gia nhập Na Uy,” mà là về việc chống lại “sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng này” từ chính phủ Scotland và Vương quốc Anh.
“Tôi nói rằng đã đến lúc chính phủ phải nghiêm túc với chúng tôi và đã đến lúc chúng tôi xem xét tất cả các lựa chọn mà chúng tôi có", ông Stockan nói.
Một báo cáo kèm theo kiến nghị của ông Stockan đề xuất Quần đảo Orkney nên xem xét các lựa chọn bao gồm: tình trạng như Quần đảo Faeroe - một lãnh thổ phụ thuộc tự trị của Đan Mạch nằm giữa Scotland và Iceland; Một lựa chọn khác là mô phỏng hình mẫu các vương quốc phụ thuộc của Vương quốc Anh như Quần đảo Channel của Jersey & Guernsey.
Trước đây từng là một khu vực nghèo khó phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá khá bấp bênh, Quần đảo Orkney đã phát triển thịnh vượng sau khi người ta phát hiện ra trữ lượng dầu lớn ngoài khơi vào những năm 1960. Quần đảo nằm cách lục địa Scotland khoảng 16 km về phía bắc này cũng có ngành công nghiệp năng lượng gió và ngành du lịch đang phát triển mạnh.
Nhưng ông Stockan cho biết Orkney nhận được ít sự hỗ trợ từ chính phủ Scotland hơn so với các cộng đồng đảo khác như Shetland hoặc Hebrides, và đang rất cần những chuyến phà mới để kết nối mạnh mẽ hơn các hòn đảo của họ.
Một ủy viên hội đồng khác, Duncan Tullock, cho rằng Orkney đang “sống nhờ những mẩu vụn”.
“Tôi chưa bao giờ vỡ mộng hơn thế trong đời với cả chính phủ Scotland và Vương quốc Anh. Chúng tôi đã nghe hết lời hứa này đến lời hứa khác, tất cả đều trống rỗng", ông Tullock nói.
Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi lớn nào về hiến pháp đều là một chặng đường dài, có khả năng cần phải trưng cầu dân ý và ban hành luật của chính phủ Scotland và Vương quốc Anh.
Bản thân các chính phủ ở Edinburgh và London cũng đang bất hòa về tham vọng của chính quyền Scotland nhằm biến Scotland thành một quốc gia độc lập bên ngoài Vương quốc Anh.
Chính phủ ở London cho biết "không có cơ chế" để thay đổi tình trạng của Orkney. Chính phủ Na Uy cũng khẳng định cuộc tranh luận "Orxit" là "vấn đề trong nước và hợp hiến của Anh" mà họ không có quan điểm.
Tại chính Orkney, Ủy viên Hội đồng David Dawson đã chỉ trích ý tưởng trên là “mơ mộng”, đặc biệt là “ảo tưởng khá kỳ quái về việc trở thành một nước tự trị phụ thuộc của Na Uy".
Ông cho biết việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu đóng vai trò như một lời cảnh báo về những rủi ro nếu tách ra một mình. “Hãy để tôi cảnh báo bạn với một từ. 'Brexit'”, ông Dawson nói.