Sau các quyết định nhằm vào Phái bộ gìn giữ hòa bình, Mali nói không 'tuyên chiến' với LHQ
Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop nói rằng, nước này không 'đối đầu' với Liên hợp quốc (LHQ), giữa lúc mối quan hệ LHQ và chính quyền quân sự của Bamako đã trở nên xấu đi trong những tuần gần đây.
Phát biểu trên của Ngoại trưởng Mali Diop được đưa ra sau cuộc gặp hôm 26/7 với Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix.
Ông Lacroix đang ở thăm thủ đô Bamako của Mali để thảo luận về việc gia hạn một năm các hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA), vừa được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.
Ngoại trưởng Mali khẳng định, nước này "không tuyên chiến" với LHQ, trái với những điều mà người khác đã cố tình bóp méo.
Trong khi đó, theo Phó Tổng thư ký LHQ Lacroix, các cuộc đàm phán của ông với Ngoại trưởng Diop "diễn ra tốt đẹp" và LHQ đang tìm cách xem xét lại cách thức hỗ trợ Mali, đất nước phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến kể từ năm 2012.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh đang có những mâu thuẫn giữa chính quyền quân sự Mali với MINUSMA, khi mới đây, Bamako trục xuất người phát ngôn MINUSMA Olivier Salgado vì công bố trên mạng xã hội Twitter điều mà nhà chức trách Mali cho là thông tin "không thể chấp nhận được" sau vụ bắt giữ 49 binh sĩ Bờ Biển Ngà tại Bamako hồi đầu tháng này.
Bờ Biển Ngà cho hay, quân đội nước này đang cung cấp hỗ trợ thường xuyên cho các binh sĩ Bờ Biển Ngà tham gia chiến dịch của MINUSMA, song phía Mali miêu tả họ là những "lính đánh thuê".
Giới chức Mali cũng thông báo đình chỉ tất cả hoạt động luân chuyển của MINUSMA, nói rằng một cuộc họp giữa 2 bên phải diễn ra để "tạo điều kiện cho việc phối hợp và điều chỉnh hoạt động luân chuyển".
Về quyết định trên, Phó Tổng thư ký LHQ Lacroix nói: "Các hoạt động luân chuyển cũng giống như hệ thống tuần hoàn máu. Chúng tôi phải tiếp tục các hoạt động này một cách khẩn cấp".
MINUSMA hiện có hơn 12.000 binh sĩ tại Mali.