Sau công nghệ đến mặt trận tài chính

Cuộc xung đột Mỹ - Trung bắt đầu từ thương mại với vũ khí hai bên sử dụng là thuế quan đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ và nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ đến lượt thị trường tài chính - chứng khoán.

 Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động vốn thành công trên sàn Nasdaq. Ảnh: Bloomberg

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động vốn thành công trên sàn Nasdaq. Ảnh: Bloomberg

Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, tính đến ngày 25-2-2019, có 156 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên ba sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Mỹ với tổng mức vốn hóa lên đến 1.200 tỉ đô la Mỹ, trong đó đáng chú ý có ít nhất 11 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (do nhà nước sở hữu từ 30% cổ phần trở lên).

Tại sàn Nasdaq, kế hoạch từ đầu năm là sẽ chào đón 40 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lên đây để chào bán chứng khoán ra công chúng lần đầu (IPO). Năm ngoái, cũng tại sàn này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động vốn thành công như iQiyi (dịch vụ nghe nhạc trực tuyến) - 2,4 tỉ đô la; Tencent Music - 1,2 tỉ đô la; NIO (sản xuất xe điện) - 1,15 tỉ đô la hay Pinduoduo (mua chung giảm giá) - 1,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên, hiện có nhiều lời kêu gọi Nhà Trắng nên chặn đường không cho doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận Phố Wall nữa. Đáng chú ý nhất là tiếng nói “diều hâu” của Stephen Bannon, từng đóng vai trò nhà hoạch định chiến lược chính cho Tổng thống D. Trump. Ông này được tờ New York Times trích lời cho biết đang có những nỗ lực cả bên trong lẫn bên ngoài chính quyền Mỹ, suy tính lại vai trò của Trung Quốc đối với thị trường chứng khoán Mỹ chủ yếu là do tính thiếu minh bạch của các doanh nghiệp nước này.

Lập luận của Bannon xoay quanh chuyện không rõ ai thật sự đang nắm quyền sở hữu các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ và một sự mơ hồ như thế không được các sàn giao dịch làm rõ sẽ là thiếu trách nhiệm với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ hưu trí.

Một điều khá mỉa mai là thị trường chứng khoán Trung Quốc không cho phép các doanh nghiệp đang thua lỗ niêm yết, thậm chí trong vài năm qua, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc chưa cho phép doanh nghiệp nào mà cổ phiếu có hệ số giá trên lợi nhuận cao quá 23 được IPO.

Trong khi đó, dù thua lỗ, các công ty này vẫn được IPO tại Mỹ; thực tế đến 70% doanh nghiệp Trung Quốc IPO tại Mỹ năm 2018 thua lỗ trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi niêm yết.

Còn theo Yahoo Finance, hiện đang có một tâm lý bất mãn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ đối với doanh nghiệp niêm yết có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó là bởi các doanh nghiệp này thường dùng một chiêu độc đáo: chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng, huy động vốn của Mỹ sau đó hủy niêm yết rồi quay về Trung Quốc niêm yết với mức định giá cao hơn nhiều lần.

Chênh lệch giá cổ phiếu rơi vào túi giới quản trị tay trong, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chịu thua thiệt. Từ năm 2013 đến nay đã có hơn 60 doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ theo kiểu đó.

Yahoo Finance đưa ra ví dụ: Công ty Qihoo 360 Technology hủy niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2016, lúc đó giá trị công ty được ấn định chừng 9,3 tỉ đô la. Hai năm sau, công ty này niêm yết trở lại trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, thị giá lên đến 62 tỉ đô la. Bloomberg tính toán tài sản của người sáng lập Zhou Hongyi nhờ đó tăng từ 2 tỉ lên 13,6 tỉ đô la, trở thành người giàu thứ 12 ở Trung Quốc! Nhà đầu tư Mỹ đang kiện Qihoo cung cấp thông tin sai lệch để cố tình định giá thấp.

Song song đó, cũng có một toan tính chiến lược mới từ các doanh nghiệp Trung Quốc khi không muốn vừa phụ thuộc vào công nghệ Mỹ vừa phải dựa vào nguồn vốn từ Mỹ. Tập đoàn Alibaba cách đây năm năm tổ chức IPO tại New York thành công ngoài sức tưởng tượng nay cũng đang cân nhắc việc niêm yết tại Hồng Kông.

Trước đây Phố Wall bắt tay chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều thương vụ. Ví dụ trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, nước này nhờ nhiều người trong giới tài chính Mỹ vận động hành lang với chính quyền Clinton. Lãnh đạo các doanh nghiệp tài chính hàng đầu như Goldman Sachs hay tập đoàn Blackstone gặp gỡ thường xuyên các quan chức Trung Quốc.

Khi phong trào đưa doanh nghiệp Trung Quốc lên sàn chứng khoán Mỹ sôi động, các tập đoàn tài chính tại Phố Wall ung dung hưởng những khoản phí tư vấn lớn. Giới đầu tư mạo hiểm rót tiền vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc đều muốn các doanh nghiệp này lên sàn để kiếm lãi đậm. Từ chỗ “kết nối” chặt chẽ như thế đến chỗ “ngắt kết nối” là xu hướng nổi lên.

Hiện đang có một tâm lý bất mãn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Mỹ đối với doanh nghiệp niêm yết có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cho đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục lên sàn tại Mỹ, dù tốc độ có chậm lại, nhiều doanh nghiệp dời ngày IPO qua cuối năm 2020. Một số doanh nghiệp được kỳ vọng IPO thành công thì thị trường đang định giá thấp hẳn đi như cổ phiếu Didi Chuxing, doanh nghiệp kiểu Uber, chưa lên sàn mà giá cổ phiếu đã sụt giảm từ mức 51 đô la còn chừng 30 đô la, theo tờ Financial Times.

Những doanh nghiệp niêm yết năm ngoái, nay giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, như cổ phiếu của Xiaomi giảm đến 30%. Ở trên có nói Tencent Music huy động được 1,2 tỉ đô la, thật ra kế hoạch ban đầu là huy động đến 4 tỉ đô la!

Đồng thời, sự nghi ngại các công ty Trung Quốc bắt đầu hiện rõ trên chính trường Mỹ; chẳng hạn, một nhóm các thượng nghị sĩ của cả hai đảng vào tháng 4 đã gửi thư thúc hối chính quyền Mỹ gia tăng các đòi hỏi doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải cung cấp thông tin nhiều hơn nữa, nhất là loại doanh nghiệp liên quan đến an ninh quốc gia.

Bức thư có nhắc đến HikVision, một doanh nghiệp chuyên xây dựng các hệ thống camera theo dõi ở khắp Trung Quốc và cũng đã cung cấp những hệ thống tương tự cho cảnh sát Mỹ. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu của HikVision gồm các quỹ hưu trí của giáo viên ở California và New York. Sử dụng thông tin này, bức thư nói ắt người dân Mỹ sẽ thấy băn khoăn, nếu không muốn nói là giận dữ, khi biết tiền hưu trí của họ đang chảy vào những công ty như thế.

Chưa biết chính sách của chính phủ Mỹ sẽ như thế nào nhưng trong lĩnh vực này, vũ khí trả đũa của Trung Quốc không phải là không đáng gờm. Theo New York Times, Trung Quốc, chủ yếu thông qua ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư nhà nước đang nắm chừng 200 tỉ đô la cổ phiếu các doanh nghiệp Mỹ.

Người ta thường nhắc đến kho vũ khí 1.120 tỉ đô la trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ nhưng ít nói đến 200 tỉ đô la cổ phiếu này. Cổ phiếu thì chỉ cần bán ra một ít đã làm thị trường náo loạn, có khả năng làm sụp đổ cả thị trường chứng khoán.

Tổng thống D. Trump rất chú ý đến sự trồi sụt của thị trường chứng khoán; ông từng thúc ép Cục Dự trữ liên bang (Fed) giảm lãi suất để làm tăng điểm thị trường. Thế nên Trung Quốc chỉ cần khuynh đảo vài ba phiên là có hiệu quả ngay. Ngược lại, bán kiểu tác động lên thị trường như thế sẽ chịu lỗ nặng, Trung Quốc cũng không dễ gì hành xử khinh xuất.

Điều chắc chắn là các doanh nghiệp Trung Quốc khi nghĩ đến việc niêm yết tại Mỹ sẽ phải cân nhắc lại trước các diễn biến mới nhất của cuộc xung đột kinh tế giữa hai nước và xu hướng “ngắt kết nối” (decoupling) nói trên.

Nguyễn Vạn Phú

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289723/sau-cong-nghe-den-mat-tran-tai-chinh-.html