Xuất khẩu điều đối mặt bài toán thiếu nguyên liệu
5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống đều tăng, tuy nhiên gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu.
Xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 đạt 285.102 tấn, tương đương gần 1,54 tỷ USD, giá trung bình 5.387,5 USD/tấn, tăng 29,7% về khối lượng, tăng 18,8% về kim ngạch nhưng giảm 8,4% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Tháng 5/2024 ước đạt 67.711 tấn, tương đương 370,34 triệu USD, giá trung bình 5.469 USD/tấn, tăng 1% về lượng, tăng 3,3% kim ngạch và tăng 2,2% về giá so với tháng 4/2024; còn so với tháng 5/2023 thì tăng 17,9% về lượng, tăng 8,8% kim ngạch nhưng giảm 7,7% về giá.
Theo báo Công Thương, hạt điều xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm trên 26% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 75.072 tấn, tương đương gần 400 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 19,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 8,4%, đạt trung bình 5.328 USD/tấn.
Riêng tháng 5 năm 2024 xuất khẩu sang Trung Quốc 17.967 tấn hạt điều, tương đương 96,14 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, giảm 0,03% về kim ngạch so với tháng 4/2024; so với tháng 5/2023 thì tăng 21,2% về lượng, tăng 12,8% về kim ngạch nhưng giảm 7% về giá.
Lũy kế 5 tháng đầu năm Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 53.334 tấn hạt điều, thu về 289,74 triệu USD, tăng 76,7% về lượng và tăng 45,7% về kim ngạch so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường Hà Lan đạt 22.088 tấn, tương đương 122,03 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 1% về kim ngạch; Đức 9.224 tấn, tương đương 48,67 triệu USD, tăng 46,9% về lượng và tăng 35,5 % về kim ngạch.
Việt Nam hiện là quốc gia giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD (cao hơn khoảng 200 triệu USD so với năm 2023).
Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu điều năm 2024 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, tuy nhiên, ngành điều cũng đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí sản xuất, cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh.
Doanh nghiệp xuất khẩu điều đang gặp khó
Ngay sau vụ thu hoạch điều năm 2024, giá hạt điều thô trong nước và nhập khẩu đều tăng sốc, đạt mức kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Nguyên nhân giá hạt điều tăng cao như hiện nay do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp.
Giá nguyên liệu tăng đột biến, doanh nghiệp sản xuất hạt điều gặp rất nhiều khó khăn, chỉ hoạt động cầm cự, thậm chí tạm ngưng sản xuất vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế.
Hiện giá hạt điều thô các thương lái bán cho các nhà máy, cơ sở chế biến dao động từ 50-55 nghìn đồng/kg, tiếp tục tăng thêm khoảng 10 nghìn đồng/kg so với hồi đầu tháng 6. Mức giá này đã tăng hơn gấp đôi so với giá bán ra của nông dân trong vụ thu hoạch. Dự báo, giá sản phẩm này tiếp tục giữ đà tăng trong thời gian tới.
Giá điều tăng cao nhưng nông dân trồng điều không hề được hưởng lợi. Vụ thu hoạch điều năm 2024, nông dân trồng điều bị thất thu do vừa mất mùa, vừa mất giá khi hạt điều bán ra cao nhất vào đầu vụ cũng chỉ được khoảng 25 nghìn đồng/kg, rộ vụ chỉ còn khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Nhưng ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, giá hạt điều thô tăng từng ngày và hiện đã lập mức kỷ lục về giá bán. Không chỉ điều nội địa, giá hạt điều thô nhập khẩu cũng không ngừng leo thang, hiện các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đang phải mua hạt điều thô nhập khẩu với mức giá hơn 50 nghìn đồng/kg. Và dấu hiệu tăng giá của mặt hàng này vẫn chưa dừng lại.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên nhân giá hạt điều thô nhập khẩu tăng cao là do một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao. Nguồn cung hạt điều thô trong nước cũng giảm sút mạnh. Tình trạng giá cao, thiếu nguyên liệu sản xuất khiến các doanh nghiệp xuất khẩu điều "đứng ngồi không yên".
Trao đổi với VTV, đại diện Công ty SVS cho biết, do thiếu trầm trọng nguyên liệu, doanh nghiệp đã giảm công suất hoạt động tới 60%. Nếu tình trạng này kéo dài đến tháng 8, buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Đây cũng là tình trạng chung của ngành điều trong hơn 1 tháng nay.
"Bắt buộc thời điểm này là phải cắt giảm lại sản xuất, cắt giảm lại lực lượng lao động, giữ lại các lao động chính để duy trì hợp đồng", ông Kiều Quốc Thạnh - Giám đốc Công ty SVS cho biết.
Hệ lụy của tình trạng thiếu nguyên liệu là doanh nghiệp phải đối mặt với việc xuống cấp về chất lượng, kể cả khi đã mua điều nguyên liệu với giá cao.
Ông Cao Thúc Uy - Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát cho biết: "Chất lượng giảm xuống dẫn đến cũng thiếu một phần nào đó thì ngay lúc này chúng tôi đang phải mua thêm vào, chấp nhận mua thêm giá cao để bù cho những cái đã ký hợp đồng".
"Tình hình giảm sút nghiêm trọng như vậy thì nguyên liệu đưa vào sản xuất các nhà máy sẽ đứt gãy. Đây là khó khăn rất là nghiêm trọng, không phải xảy ra quý này, mà cuối quý III, đầu quý IV, thậm chí quý I/2025", ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định.
Khi đối tác, chủ yếu là phía châu Phi, ngừng hợp đồng thì doanh nghiệp trong nước đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu nguyên liệu và buộc phải sản xuất cầm chừng và đồng loạt ngừng sản xuất. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, 70% nhà máy sản xuất theo hướng mua nguyên liệu thô về chế biến thành nhân điều xuất khẩu đã bị giảm công suất hoạt động.
Giải pháp để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, do phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến không phải là điều hiếm gặp với ngành xuất khẩu điều tại Việt Nam. Điều này cũng đang đặt ra thách thức cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành điều trong năm 2024. Tìm giải pháp để phát triển bền vững cũng là một trong những ưu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu điều trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài xuất khẩu điều nhân mỗi tháng khoảng 2.000 tấn, doanh nghiệp Long Sơn vừa mở rộng nhà máy lên gấp đôi để thực hiện chế biến sâu, gia tăng giá trị cho hạt điều. Nhờ vậy, đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng điều rang chiên, tẩm gia vị, đóng gói nhỏ tăng gần gấp đôi năm trước. Ước tổng doanh thu năm nay khoảng 10 triệu USD.
Ông Vũ Tháo Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Long Sơn cho biết: "Bán cho các nhà rang chiên, các siêu thị thì họ đòi hỏi chất lượng rất cao. Chúng tôi tiếp tục nhập khẩu thêm máy móc công nghệ cao để làm ra các sản phẩm không bị lỗi".
Còn doanh nghiệp Gia Bảo thì chọn giải pháp liên kết với nông dân để trồng mới nhiều giống điều cho năng suất cao ngay tại Việt Nam. Đây cũng là cơ sở giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu.
"Phải theo cái dự án này bởi vì dự án này tôi nghĩ sẽ đạt được một dấu chấm phá cho ngành điều. Làm sao để mình tự phải chủ động được từ nông trại đến bàn ăn, tôi nghĩ giải phải quyết được 3 thứ: Thứ nhất là phải là farm, thứ hai là Factoty và thứ ba Food. Để có một dòng thực phẩm tốt, hữu cơ và có giá trị gia tăng cao phải chủ động được khâu vùng trồng nguyên liệu", ông Trần Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo cho hay.
Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có tác động tích cực đối với xuất khẩu nông sản, trong đó có hạt điều chế biến sâu của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sẽ được giảm thuế xuống bằng 0% nếu có sự đầu tư chế biến sâu để gia tăng giá trị.
Ông Tạ Quang Huyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết: "Nhà máy rang chiên các loại hạt chúng tôi đã hoàn thành. Tuy nhiên còn đang phải chờ đợi một số máy nhập khẩu từ nước ngoài về mới vận hành được 100%".
Việc các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ, không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế, nâng giá trị gia tăng mà còn là lối ra giúp cho ngành hàng này phát triển bền vững.
Minh Hoa (t/h)