Sau Covid-19, tỷ lệ học sinh mắc trầm cảm ngày càng tăng

Theo cảnh báo của bác sĩ tâm lý, sau Covid-19, số bệnh nhân là học sinh, sinh viên tới thăm khám rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng.

Cách đây ít lâu, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nam bệnh nhân P.V.H. (18 tuổi, TB), được mẹ đưa vào viện vì luôn thể hiện tâm trạng buồn chán và muốn chết.

Thông tin từ gia đình, H. là con thứ 2 trong gia đình, sống cùng bố mẹ và anh trai. Tuy nhiên, bố H. là người nghiêm khắc, nóng tính, ít nói, luôn kỳ vọng rất nhiều vào các con, luôn mong muốn H. phải học thật giỏi. Còn mẹ H. tuy tính cách dễ chịu hơn, nhưng cũng đề cao thành tích, luôn mong con đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Theo chia sẻ của H. với bác sĩ điều trị, trên lớp H. có ít bạn, chỉ tập trung vào học, về nhà không đi chơi, không tập thể dục, thời gian rảnh đọc sách, học bài.

Theo cảnh báo của bác sĩ tâm lý, sau Covid-19 số bệnh nhân là học sinh, sinh viên tới thăm khám rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng.

Theo cảnh báo của bác sĩ tâm lý, sau Covid-19 số bệnh nhân là học sinh, sinh viên tới thăm khám rối loạn tâm thần, trầm cảm tăng.

H. đạt học sinh giỏi các năm cấp 1, cấp 2 và có niềm đam mê với môn tiếng Anh, nên dành nhiều thời gian và đầu tư cho môn học này.

Sau khi thi đỗ cấp 3, H. tiếp tục học trường chuyên của tỉnh, được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh.

Cũng chính vì vậy, bố mẹ luôn hối thúc việc học tiếng Anh với định hướng H. cần phải đạt chứng chỉ IELTS để dễ dàng vào đại học. Điều này khiến H. cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản ghét cả môn học yêu thích. Bệnh nhân xin ra đội tuyển vì cảm thấy không còn hứng thú trong việc học. Điều này khiến bố mẹ buồn và hay mắng H.

H. vẫn cố gắng duy trì việc học tập các môn học, tuy nhiên, áp lực từ gia đình khiến H dần mất hứng thú, chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai.

Ths. Đỗ Thùy Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 2 tháng trước khi đến với Viện Sức khỏe tâm thần, gia đình nhận thấy H. chán nản, không tập trung nghe giảng, giảm quan tâm thích thú, không đi chơi, về nhà thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh.

Không chỉ ngủ kém, H. chơi điện tử trên điện thoại , máy tính tới 2-3h sáng và không học bài, khi bị bố mẹ nhắc nhở bệnh nhân không nghe lời như trước ngược lại còn cáu gắt, vùng vằng, hoặc không chịu nói chuyện với bố mẹ... H. tỏ rõ không muốn học dù kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang đến gần và chỉ muốn kết thúc cuộc đời.

Trước dấu hiệu bất thường của H., gia đình đưa em khám tại phòng khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát cần điều trị nội trú.

Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị ngoại trú vì lý do riêng, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, tiếp tục có ý nghĩ tự sát. Bệnh nhân tái khám và nhập Viện Sức khỏe tâm thần.

Ths. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.

Trẻ tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức.

Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Stress từ những sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em.

Tuy nhiên, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn, mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống (bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm) cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm.

Theo chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt. Đó là trẻ có cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ.

Phần lớn trẻ thể hiện qua phàn nàn triệu chứng cơ thể, ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, sự hứng thú và giảm tập trung thì ngược lại. Tỷ lệ có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn.

"Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý", bác sĩ Thiện thông tin thêm.

Còn theo chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Medlatec, những tác nhân bên ngoài hay môi trường có thể gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ và gây bệnh trầm cảm mà các bậc phụ huynh nên biết sẽ bao gồm sự áp đặt về việc học tập khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm.

Mặc dù hiện nay, bạo lực học đường đã được khống chế nhưng đâu đó vẫn còn số ít các em học sinh là nạn nhân của tệ nạn này.

Thông thường, những trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường đều có xu hướng che giấu, chịu đựng một mình dẫn đến nỗi ám ảnh, luôn thấy lo sợ từ đó dễ mắc phải bệnh trầm cảm.

Sự can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư, sở thích cá nhân của ba mẹ khiến trẻ không có cuộc sống thoải mái, thường xuyên phải làm những việc mà bản thân không muốn.

Điều này khiến trẻ thấy khó chịu và không được tôn trọng, dễ cáu ghét, phản kháng và vô tình tạo nên rào cản giữa bố mẹ với con cái.

Từ đó, trẻ sẽ không còn chia sẻ nhiều với bố mẹ về suy nghĩ của bản thân nên dễ đi lạc hướng và nguy cơ trầm cảm cao.

Trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu sự yêu thương, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, luôn bị la mắng với những lời lẽ nặng nề, chê trách, xúc phạm sẽ rất dễ bị bệnh trầm cảm.

Tâm hồn non nớt của những đứa trẻ rất dễ gặp phải cú sốc tâm lý dẫn đến trầm cảm như mất người thân, bị lạm dụng tình dục, kết quả học tập kém, thường xuyên bị đánh đập, cha mẹ ly hôn,...

Để dự phòng trầm cảm cho trẻ, theo chuyên gia, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng. Đặc biệt các thành viên trong gia đình cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm và ảnh hưởng của chúng đến mối quan hệ của trẻ với gia đình và bạn bè. Đồng thời, phát hiện sớm các triệu chứng cần điều trị.

Về phía trường học, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của thầy cô và học sinh, không kỳ thị hoặc xa lánh những trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó có trầm cảm.

Ngoài ra, cần có sự tham gia của nhà trường trong việc phát hiện sớm, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có dấu hiệu mắc trầm cảm...

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-covid-19-ty-le-hoc-sinh-mac-tram-cam-ngay-cang-tang-d175305.html