Sau cuộc đình công diện rộng, quyền lợi của giáo viên Hàn Quốc được đưa ra xem xét

Trong bối cảnh giáo viên Hàn Quốc ngày càng bất mãn với điều kiện nghề nghiệp, đình công và biểu tình, Quốc hội Hàn Quốc đã thống nhất sẽ đưa ra xem xét các quy định sửa đổi, bổ sung về giáo viên nhằm nâng cao quyền hành của nhà giáo.

Các giáo viên Hàn Quốc giương cao biểu ngữ "Thông qua dự luật khôi phục quyền giáo viên trong phiên họp Quốc hội vào tháng 9" trong cuộc biểu tình ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 16/9. Ảnh: Ahn Young-joon

Các giáo viên Hàn Quốc giương cao biểu ngữ "Thông qua dự luật khôi phục quyền giáo viên trong phiên họp Quốc hội vào tháng 9" trong cuộc biểu tình ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 16/9. Ảnh: Ahn Young-joon

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách quyền lợi của giáo viên Hàn Quốc

Trong bối cảnh giáo viên Hàn Quốc ngày càng bất mãn với điều kiện nghề nghiệp, đình công và biểu tình, ngày 16/9, Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Hàn Quốc đã thống nhất sẽ đưa ra xem xét các quy định sửa đổi, bổ sung của Đạo luật Cải thiện Địa vị Giáo viên và Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học nhằm nâng cao quyền hành của nhà giáo.

Theo đó, các dự luật sửa đổi sẽ được thảo luận và cân nhắc tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hàn Quốc, sau đó sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 21/9.

"Dự luật khôi phục quyền của giáo viên Hàn Quốc sẽ được thông qua tại phiên họp tới đây. Mọi người sẽ sớm cảm nhận được sự thay đổi ở trường học vì các dự luật được thiết kế sẽ có hiệu lực ngay sau khi được ban hành", Hạ nghị sĩ Kim Young-ho thuộc Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc cho biết.

Những bông hoa được đặt trước cổng chính của trường tiểu học trong một khu phố sang trọng ở phía Nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để tưởng nhớ sự ra đi của một giáo viên trẻ, người đã tự tử sau khi đối mặt với áp lực không thể vượt qua từ phụ huynh học sinh. Ảnh: Korea Joongang Daily

Những bông hoa được đặt trước cổng chính của trường tiểu học trong một khu phố sang trọng ở phía Nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để tưởng nhớ sự ra đi của một giáo viên trẻ, người đã tự tử sau khi đối mặt với áp lực không thể vượt qua từ phụ huynh học sinh. Ảnh: Korea Joongang Daily

Còn đối với điều khoản cho phép giáo viên lưu hồ sơ về việc học sinh vi phạm nội quy lớp học và có thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực đối với giáo viên không được đưa vào dự thảo sửa đổi. Bởi điều khoản này không đạt được sự thống nhất giữa Bộ Giáo dục, Quốc hội và Chính phủ Hàn Quốc.

Quyền lợi của học sinh và giáo viên Hàn Quốc chưa thực sự bình đẳng?

Hiện các dự luật nhằm đáp ứng yêu của giáo viên Hàn Quốc về việc được miễn trừ khỏi các cáo buộc lạm dụng quyền trẻ em vẫn còn gây nhiều nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia giáo dục và pháp lý nước này.

Một số chuyên gia lo ngại rằng, các đề xuất của giáo viên Hàn Quốc có thể làm suy yếu thêm sự bảo vệ đối với trẻ em - nhóm đối tượng đã phải chịu nhiều áp lực học tập trong môi trường giáo dục siêu cạnh tranh trong nhiều năm qua.

Ở Hàn Quốc, đỗ vào các trường đại học danh tiếng được coi là một việc quan trọng trong đời học sinh. Kỳ thi đầu vào đại học ở Hàn Quốc nổi tiếng là đầy áp lực và có ảnh hưởng đến vận mệnh của các thí sinh sau này, từ cơ hội việc làm đến chuyện kết hôn.

Vòng xoáy học tập, thi cử khiến học sinh Hàn Quốc kiệt sức. Ảnh: Yonhap

Vòng xoáy học tập, thi cử khiến học sinh Hàn Quốc kiệt sức. Ảnh: Yonhap

Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia cung cấp, từ năm 2018 đến năm 2022, có hơn 820 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tự tử vì áp lực.

Trong các năm gần đây, số ca tử vong trong nhóm đối tượng từ 9-24 tuổi ở Hàn Quốc đã tăng đều đặn. Trong một số vụ, áp lực điểm số từ kỳ thi đại học được xác nhận là nguyên nhân trực tiếp.

Số lượng vụ tử tự nêu trên đã khiến Hàn Quốc là đất nước có tỉ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí chung của Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã cáo buộc Chính phủ tự do trước đây của thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã áp dụng các chính sách chú trọng quá mức quyền con người của trẻ em - điều này đã dẫn đến sự gia tăng các cáo buộc giáo viên lạm dụng quyền trẻ em không chính đáng.

Đầu tháng 9, hàng trăm nghìn giáo viên Hàn Quốc đã đình công, tổ chức biểu tình với quy mô lớn. Các cuộc biểu tình của giáo viên Hàn Quốc bắt nguồn từ sự ra đi của một nữ giáo viên trẻ (23 tuổi) - người được phát hiện đã tự tử trong lớp học của mình ở quận Seocho, Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 7. Cái chết của giáo viên trẻ này được cho là do là cô đã bị phụ huynh học sinh quấy rối và đe dọa trong thời gian dài.

Sự ra đi của giáo viên trẻ này cùng một số vụ tự tử gần đây nhất của giáo viên Hàn Quốc trong tháng 9 đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích rằng, hệ thống giáo dục Hàn Quốc và các quy định pháp luật có liên quan đã không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên nước này.

Các đạo luật liên quan đến giáo viên đã không cho phép họ được thực hiện các biện pháp kỷ luật cần thiết đối với những học sinh cá biệt. Điều này đã khiến giáo viên Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc điều hành lớp học. Đồng thời khiến họ phải phó mặc cho những bậc phụ huynh hống hách - những người có thể dễ dàng buộc tội giáo viên lạm dụng quyền trẻ em.

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, giáo viên sẽ bị sa thải nếu bị buộc tội lạm dụng quyền trẻ em.

Nguồn: AP, Yonhap, SCMP

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sau-cuoc-dinh-cong-dien-rong-quyen-loi-cua-giao-vien-han-quoc-duoc-dua-ra-xem-xet-179230917141441632.htm