Sau cuộc gọi video của ông Tập và ông Putin: Nhận diện 9 tòa nhà kỳ vĩ trên Mặt Trăng - không cần 'đếm xỉa' đến Mỹ
Ngày 28/6 vừa qua Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tuyến qua video.
Ông Putin và ông Tập đã nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Nga - Trung (FCT).
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ký kết FCT. Và như một sự hiện thực hóa điển hình cho sự hợp tác "nương tựa vào nhau" này, Trạm Khoa học Quốc tế Mặt trăng (ISL, gọi tắt trạm Mặt Trăng) sẽ sớm được hai nước xây dựng và vận hành.
TRẠM MẶT TRĂNG NGA - TRUNG RA ĐỜI THẾ NÀO?
Thường thì khám phá không gian bằng phương tiện có người lái sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với những hoạt động chỉ sử dụng máy móc tự động. Đó là lý do tại sao Nga và Trung Quốc sẽ xây dựng một trạm trên Mặt Trăng chứ không phải một căn cứ.
Điểm khác biệt chính giữa trạm và căn cứ là các thiết bị tự động sẽ hoạt động tại trạm, còn căn cứ thì con người có thể có mặt ở đó.
Trạm Mặt Trăng Nga - Trung nói trên sẽ bao gồm ít nhất 9 tòa nhà.
Theo chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, Hoa Kỳ bị cấm hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá không gian, nhưng đặc điểm chính của Trạm Mặt Trăng này là ban đầu nó được thiết kế để làm việc chung với các cơ quan vũ trụ của các quốc gia khác.
Dự án nghiên cứu chung về Mặt Trăng của Nga - Trung được biết đến vào tháng 3/2021, khi Roscosmos của Nga và Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc ký một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác tạo ra Trạm Khoa học Quốc tế Mặt trăng (ISL) này cho lộ trình tới năm 2035.
Đối với Trung Quốc, đây là một cơ hội thực sự để bắt đầu, mặc dù là gián tiếp, hợp tác với Hiệp hội Không gian châu Âu (ESA) và các cơ quan vũ trụ của các nước phương Tây khác. Tư lầu nay, không có hợp tác nào như vậy.
Đối với Nga, sự tham gia của Trung Quốc là nguồn kinh phí bổ sung cho các hoạt động không gian của họ.
CẤU TRÚC CỦA TRẠM MẶT TRĂNG
Sau khi lộ trình được công bố, một số điểm đã trở nên rõ ràng. Theo kế hoạch, trạm sẽ là một nhà ga hoàn toàn tự động trên bề mặt Mặt Trăng. Đồng thời, con người sẽ không trực tiếp tham gia vào công việc tại đó. Dự án có thể được liên kết với một nhiệm vụ có người lái, nhưng điều này sẽ được thực hiện như thế nào vẫn chưa rõ.
Việc xây dựng nhà ga được chia thành 3 giai đoạn cho đến năm 2035 - nghiên cứu, xây dựng và vận hành.
Giai đoạn đầu tiên được điều chỉnh tối đa cho phù hợp với các chương trình hiện có của Nga và Trung Quốc. Nó sẽ kéo dài đến năm 2025 và sẽ phải bao gồm 6 lần phóng, một trong số đó - Thường Chang'e-4 (Thường Nga-4) - đã diễn ra vào năm 2018.
Các vụ phóng còn lại là Luna-25, Luna-26 và Luna-27 của phía Nga và Chang'e-6 và Chang'e-7 của phía Trung Quốc.
Đối với các vụ phóng của mình, Nga dự kiến sẽ sử dụng phương tiện phóng hạng trung Soyuz-2, trong khi phía Trung Quốc sẽ sử dụng CZ-5. Chuyến hàng đầu tiên của Nga, theo kế hoạch, dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2021, nhưng mới đây có thông tin cho rằng có thể hoãn lại đến năm 2022.
Giai đoạn hai của chương trình chung Nga-Trung được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030, nó bao gồm bốn lần phóng. Để tiếp tục các chương trình mặt trăng của mình, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Chang'e-8 và Nga - trạm mặt trăng hạng nặng Luna-28.
Việc xây dựng căn cứ sẽ chỉ bắt đầu sau khi phóng thêm hai tên lửa hạng nặng - tàu vũ trụ MNLS-1 và MNLS-2. Tàu đầu tiên trong số này sẽ trở thành trung tâm chỉ huy và chịu trách nhiệm truyền dữ liệu về Trái đất. MNLS-2 sẽ hoạt động như một trạm để tiến hành các thí nghiệm.
Giai đoạn thứ ba sẽ diễn ra từ năm 2030 đến năm 2035. Dự kiến, vào cuối thời kỳ này, trạm Mặt Trăng sẽ bao gồm năm tàu vũ trụ, sẽ tạo ra một tổ hợp khoa học tổng thể liên quan đến cả việc nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng và quan sát các thiên thể.
Có nghĩa là, đây sẽ là các tàu vũ trụ hoạt động trong một hệ thống: một trong số chúng sẽ chịu trách nhiệm thu thập và truyền dữ liệu, hệ thống còn lại - quản lý trạm và mức tiêu thụ năng lượng của nó. Cũng sẽ có những thiết bị khoa học thuần túy nghiên cứu đất hoặc bầu trời đầy sao.