Sau đàm phán trần nợ, nước Mỹ đối mặt với làn sóng phát hành nợ mới
Cơn lũ phát hành trái phiếu chính phủ gần như chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự lo lắng và biến động của thị trường, làm tăng rủi ro rằng một cái gì đó, ở đâu đó có thể sẽ bị phá vỡ.
Để ngăn chặn rủi ro dư thừa thanh khoản, Bộ Tài chính Mỹ đã dành phần lớn thời gian trong 6 tháng qua để giảm lượng tiền mặt nắm giữ, cuối cùng đạt đến mức gần như không còn gì. Bây giờ họ phải bổ sung tiền mặt và điều này đang tạo ra mối nguy hiểm tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Tài khoản tổng của Bộ Tài chính Mỹ và là tài khoản chính của Chính phủ tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được sử dụng cho các khoản thanh toán chính thức - đã giảm xuống chỉ còn 23 tỷ USD vào đầu tháng 6, ít hơn nhiều so với số tiền chi tiêu ròng trong một ngày thông thường. Thông thường, Bộ Tài chính sẽ cố gắng duy trì số dư ít nhất 500 tỷ USD nhằm đủ để trang trải khoảng một tuần dòng tiền chảy ra.
Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Tài chính hiện tại là xây dựng lại bộ đệm bằng cách bán tín phiếu và trái phiếu (hầu hết sẽ dựa vào tín phiếu vì việc huy động tiền mặt nhanh chóng thông qua bán nợ ngắn hạn sẽ dễ dàng hơn). Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ phải bán nhiều trái phiếu hơn để tài trợ cho thâm hụt của chính phủ. Kết quả là một đợt phát hành đột biến sẽ xuất hiện.
Mark Cabana, chiến lược gia của Bank of America dự báo rằng Bộ Tài chính sẽ phát hành hơn 1.000 tỷ USD tín phiếu trong 3 tháng tới, gần gấp 5 lần tổng số phát hành trung bình trong một mùa hè.
Vì vậy, mối quan tâm hiện nay là tiền sẽ đến từ đâu và đặc biệt là liệu việc bán trái phiếu chính phủ có làm cạn kiệt thanh khoản từ các thị trường tài sản khác hay không. Có hai nguồn tiền mặt khả thi chính và mỗi nguồn đều có rủi ro.
Đầu tiên là các quỹ thị trường tiền tệ. Về nguyên tắc, các quỹ này có thể hấp thụ phần lớn các trái phiếu từ đợt phát hành mới bằng cách chỉ cần sử dụng số tiền mặt mà họ để tại Fed thông qua cơ sở thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo). Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, Bộ Tài chính có thể phải đưa ra lãi suất coupon cao hơn so với lãi suất 5,05% đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược. Ngược lại, lợi suất cao hơn có thể dẫn đến chi phí tài trợ cao hơn đối với các ngân hàng khu vực vốn đã căng thẳng, do đó đây là một nguồn không mấy hấp dẫn.
Nhưng nguồn thứ hai vẫn kém hấp dẫn hơn. Các công ty, quỹ hưu trí và các nhà đầu tư khác có thể trở thành những người mua tín phiếu nhiều nhất, điều đó có nghĩa là tiền gửi sẽ được chuyển vào Bộ Tài chính và làm giảm mức dự trữ ngân hàng trong hệ thống tài chính. Các ngân hàng đang có dự trữ vượt mức khoảng 3.000 tỷ USD và theo đó sẽ không mất nhiều thời gian để những khoản này giảm xuống còn 2.500 tỷ USD, mức mà nhiều người coi là biểu thị sự khan hiếm dự trữ (theo nguyên tắc chung là các ngân hàng nên duy trì dự trữ ở mức khoảng 10% GDP). Điều này sẽ đặt ra những câu hỏi khó chịu về sự ổn định của ngân hàng và có thể buộc các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao hơn để thu hồi dự trữ.
Mặc dù vậy, một cuộc chạm trán ngắn ngủi với sự khan hiếm dự trữ sẽ không nhất thiết gây ra thảm họa. Fed có thể cung cấp hỗ trợ thanh khoản nếu được yêu cầu. Và trong phạm vi các quỹ thị trường tiền tệ mua nhiều tín phiếu hơn, áp lực đối với dự trữ ngân hàng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, dù bằng cách nào, cơn lũ phát hành trái phiếu chính phủ gần như chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự lo lắng và biến động của thị trường, làm tăng rủi ro rằng một cái gì đó, ở đâu đó có thể sẽ bị phá vỡ. Đó là một khía cạnh khác từ ảnh hưởng liên quan về vấn đề trần nợ lâu năm của Mỹ.