Sâu đậm tình thầy trò

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, để có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông phải qua 11 năm học, trong đó có 1 năm lớp vỡ lòng. Thời ấy, cả làng tôi mới có 2 lớp vỡ lòng học nhờ ở mái hiên nhà chùa và toàn là thầy giáo làng đứng bục. Học trò bé nhất là 5 - 6 tuổi, lớn nhất là mấy anh chị đã 11 - 12 tuổi. Sau đó, xã làm thêm một số phòng học ở sân đình cùng hai gian nhà tập thể, đón thầy, cô ở nơi khác về dạy. Và ngày 20-11-1960, lần đầu tiên trường làng tổ chức 'Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo'.

Minh họa: Nguyễn đăng Phú.

Minh họa: Nguyễn đăng Phú.

Khi ấy, sau lễ mít tinh ngắn gọn là bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tình trong lá thiếp do hai "chị cả" của trường thể hiện, hay và vô cùng xúc động. Ấn tượng sâu đậm đến mức sau này được nghe tiếng hát của nhiều ca sĩ có tên tuổi nhưng thú thật cảm giác được nghe các chị tuổi đang thì giọng hát mới ngọt làm sao cùng nét tươi tắn mặn mà bẽn lẽn trong bộ cánh nâu còn vương mùi bùn đất.

Gần 10 năm sau vượt sông Bến Hải chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, khi đăm đăm dõi về phía cầu Hiền Lương tôi lại nôn nao nhớ về những bài hát ấy, về những kỷ niệm dưới mài trường và "Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo" lần đầu tiên được tổ chức. Những năm ấy, quà tặng các thầy, cô của chúng tôi chỉ là bó hoa cải vàng nho nhỏ cắm trong cốc vại, mấy bông chuối tây thắm đỏ cắt ở vườn nhà, và một bị khoai lang mùa ứ mật.

Khi lên cấp III, chúng tôi phải đi bộ khoảng 6 cây số sang trường huyện. Đa số thầy, cô của trường đều ở những gian tập thể cạnh lớp học sơ tán. Hầu như các thầy, cô không có ngày nghỉ, bởi còn mở những buổi phụ đạo cho các bạn bị hổng kiến thức cơ bản. Những bạn phải học phụ đạo do các thầy, cô chọn, “hổng đâu lấp đấy” và không phải đóng góp thù lao. Nhớ ơn thầy cô, "Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” những năm ấy, quà tặng của lớp gửi đến các thầy, cô là những món ăn tinh thần như tờ báo tường, những tiết mục văn nghệ, và tất nhiên là các kết quả học tập rèn luyện tốt hơn để thầy, cô không phải mở lớp phụ đạo...

Sự mộc mạc, chân tình của thầy trò như thế giờ đây tôi vẫn gặp trong những chuyến đi công tác, đi tham quan vùng sâu, vùng xa. Ở nơi núi cao, tôi như gặp được hình ảnh các thầy, cô của mình năm nào trong bóng dáng của những thầy, cô cần mẫn “cõng con chữ” lên núi, bám bản, bám từng điểm trường, trèo đèo vượt suối đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp. Không chỉ kiên tâm dạy chữ, các thầy, cô còn làm nhiệm vụ của người cha, người mẹ, chỉ bảo các trò nấu ăn, tắm giặt ở trường nội trú, thầy trò cùng nhau ra suối bắt cá, tôm để cải thiện bữa ăn...

Mấy chục ngày vừa qua bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung, gây ngập lụt, sạt lở đất. Hàng nghìn thầy, cô đã và đang dầm mình trong bùn nước thu nhặt sách vở, dọn dẹp vệ sinh... để sớm đón các em học sinh thân yêu trở lại trường khi Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần.

Thời nào cũng thế, nơi nào cũng vậy, còn có những thầy cô luôn cống hiến hết mình vì học sinh thân yêu thì chắc chắn chúng ta sẽ đào tạo được những thế hệ đủ đức đủ tài.

Quý Yên Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/984061/sau-dam-tinh-thay-tro