Sau danh thiếp sẽ là gì?
Một thứ có thể xem là 'vật bất ly thân' với nhiều doanh nhân là tấm danh thiếp. Nó được xem 'miếng trầu' để bắt đầu câu chuyện với đối tác mới gặp, mối quan hệ mới gầy dựng hay đơn thuần là người mới quen.
Nhiều người bỏ công sức để thiết kế cho mình một tấm danh thiếp độc đáo, gây ấn tượng nhưng cũng có người thích dùng danh thiếp đơn giản chỉ có họ tên. Rục rịch đã có nhiều hình thức danh thiếp kỹ thuật số nhưng dường như cộng đồng kinh doanh chưa chấp nhận chúng.
Tờ Wall Street Journal cung cấp một trường hợp cực đoan: Anh chàng Derek Peterson cho cấy một con chip vào vùng da nằm giữa ngón tay cái và ngón trỏ trên bàn tay trái; chip chứa đầy đủ thông tin liên lạc của anh. Mỗi khi muốn tự giới thiệu với ai, thay vì trao tấm danh thiếp, Peterson chìa tay nói người kia dùng điện thoại để quét thông tin của anh cấy trên chip. Anh này làm sếp công nghệ ở Boingo Wireless, một hãng chuyên về mạng không dây!
Khổ nỗi cứ mỗi lần anh chìa tay ra như thế, đối tác của anh thoạt tiên là không hiểu, sau đó là không tin và cuối cùng là một sự chựng lại, cảnh giác. Với những ai hào hứng chịu thử công nghệ “trao danh thiếp không dây” này, rất nhiều dạng trục trặc diễn ra: nhiều loại điện thoại cần tải một ứng dụng đọc chip về mới đọc được thông tin; nhiều điện thoại khác chưa có chức năng NFC (kết nối không dây tầm ngắn trong khoảng cách 4 cen ti mét); điện thoại có NFC nhưng đời cũ thì phải để sát rạt mới đọc được…
Có thể Derek Peterson dùng danh thiếp cấy dưới da như thế để gây tò mò và sau đó tận dụng cơ hội để giới thiệu về công ty của anh. Người bình thường khác ắt còn lâu mới chịu cấy chip dưới da như anh để dùng làm danh thiếp.
Thật ra so với giai đoạn thập niên 1990 hay 2000, mức độ sử dụng danh thiếp giấy đã suy giảm và gần như biến mất trong những năm đại dịch Covid-19 hoành hành. Không những người ta ngại tiếp xúc, bắt tay, trao danh thiếp mà còn do phương cách làm việc từ xa, họp hành hội nghị cũng từ xa, nhu cầu sử dụng danh thiếp coi như không còn nữa. Nhận tấm danh thiếp, nếu là đối tác cần liên lạc thường xuyên, người nhận lại cần mất công gõ các chi tiết liên lạc vào danh bạ điện thoại một cách thủ công.
Từ đó mới nảy sinh nhu cầu thiết kế một loại danh thiếp kỹ thuật số, làm sao khỏi tiếp xúc, lưu trữ dễ dàng nhưng cũng đừng quá cực đoan như trường hợp anh Derek Peterson. Giải pháp đầu tiên được nhiều người áp dụng là in một tấm danh thiếp nhưng trên đó chỉ có một mã QR chứa đầy đủ thông tin. Gặp khách mới tiếp xúc lần đầu, họ sẽ chìa tấm danh thiếp này ra, giữ nguyên trên tay để đối tác mở điện thoại, quét mã QR và thông tin liên lạc sẽ tự động chạy về điện thoại của họ. Cũng có người làm luôn một màn hình có mã QR trên điện thoại, khi cần chỉ việc mở hình ra cho đối tác quét mã.
Tuy nhiên phản ứng trước loại danh thiếp QR này cũng khá đa dạng. Giới hiểu biết công nghệ thì từ chối quét vì theo họ bọn tin tặc lợi dụng mã QR để điều hướng người quét đến các địa chỉ lừa đảo hay đơn thuần là đánh cắp thông tin cá nhân. Gặp người lạ chào mời quét mã QR là họ cảnh giác, ngó lơ. Người lớn tuổi cũng dễ từ chối: một mặt họ không quen với thao tác quét mã QR, mặt khác họ suy nghĩ trao nhau danh thiếp là sự chủ động làm quen, sao lại bắt tôi quét thông tin của anh?
Chuyện quét mã cũng không đơn giản. Tờ Wall Street Journal kể nhiều lúc hai bên phải đánh vật hồi lâu, một bên xoay trở chiếc điện thoại ở nhiều góc độ, bên kia cầm tờ in mã cũng xoay nhiều góc để hỗ trợ. Gặp địa điểm tiếp xúc sóng di động yếu hay không có wifi cũng coi như thua.
Cũng có người nảy ra những ý tưởng mới như làm chiếc nhẫn trên đó có gắn chip như trường hợp của anh Derel Peterson; đeo nhẫn chứ không cần cấy chip dưới da nghe dễ chịu hơn nhiều.
Có lẽ danh thiếp giấy sẽ còn tồn tại một thời gian nữa. Ross Fishman, CEO một công ty tiếp thị nói với tờ Wall Street Journal ông thích danh thiếp giấy hơn, nhất là khi tiếp xúc với nhiều người trong một hội nghị lớn. Nhận một tờ danh thiếp xong, ông thường ghi chú thêm thông tin về đối tác mới làm quen để sau này dễ nhớ lại họ là ai, nội dung trao đổi là gì. Theo ông trong tương lai gần, người ta sẽ thiết kế danh thiếp có hai mặt; mặt trước như danh thiếp truyền thống còn mặt sau sẽ chuyển thông tin liên lạc đó thành một mã QR cho ai muốn lưu lại nhanh chóng, khỏi mất công gõ.
Thư Kỳ
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sau-danh-thiep-se-la-gi/