Sau Đinh La Thăng, Út 'trọc' phản bác cáo buộc chiếm đoạt 725 tỷ

Về cáo buộc bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út 'Trọc') chiếm đoạt 725 tỷ đồng, bị cáo này đã phản bác cáo trạng và cho rằng, số tiền 725 tỷ là của công ty Yên Khánh và giải thích, khi công ty của mình trúng thầu đấu giá đúng với quy định thì việc kinh doanh dù lời hay lỗ đều phải chịu.

Hôm nay (17/12), TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử liên quan đến vụ sai phạm dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") phản bác cáo buộc chiếm đoạt 725 tỷ.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") đã xét hỏi thân chủ và các bị cáo khác. Theo như cáo trạng, bị cáo Hệ bị cáo buộc lập báo cáo tài chính giả để công ty có thể đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bị cáo còn dùng thủ đoạn gian dối để can thiệp vào phần mềm thu phí, hòng chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Út "trọc" đã phản bác cáo trạng và cho rằng, số tiền 725 tỷ là của công ty Yên Khánh và giải thích, khi công ty của mình trúng thầu đấu giá đúng với quy định thì việc kinh doanh dù lời hay lỗ đều phải chịu. "Tiền này là tiền của tôi thì làm gì tôi phải đi chiếm đoạt", Đinh Ngọc Hệ nói.

Ngoài bị cáo buộc chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn bị cáo buộc thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng (Tổng giám đốc Công ty CP Licogi 13) thi công hạng mục gói thầu XL.01-3 để ông Thăng này bán rẻ lại biệt thự BT01, trục lợi hơn 3,4 tỷ đồng. Đối với cáo buộc này, Út "Trọc" cũng một mực phủ nhận và khẳng định, vào thời điểm đó ông Phạm Văn Thăng đã bán căn biệt thự với giá cao hơn mức thị trường.

Sau đó, luật sư bào chữa cho Út "trọc" đã xét hỏi ông Đinh La Thăng về việc, nếu công ty Yên Khánh nộp đủ tiền đấu giá là 2.004 tỷ đồng thì phần doanh thu vượt quá khoản tiền này sẽ là của ai?

Trước câu hỏi này, bị cáo Đinh La Thăng trả lời: Nếu tiền thu được thấp hơn mức đấu giá thì công ty phải chịu còn hơn thì sẽ được hưởng. Tuy nhiên, tiền thu phải theo quy định pháp luật, không phải muốn thu bao nhiêu cũng được.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng cho biết thêm, việc công ty Yên Khánh gửi báo cáo tài chính gian dối cho Bộ GTVT để có thể đủ điều kiện đấu giá tiền thu phí, khi đó dự án này đã giao cho các thứ trưởng chỉ đạo nên ông không nắm được hợp đồng này cũng như các văn bản có liên quan.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tại phiên xét xử hôm nay, đại diện Bộ GTVT (là bị hại) xác nhận, số tiền mà Cty Yên Khánh trả để mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương là 2.004 tỷ đồng và Bộ GTVT đã nhận đủ. Trong quá trình thanh toán tiền mua quyền thu phí, Công ty Yên Khánh do trả chậm nên có lãi chậm và phần lãi chậm này đang được giải quyết trong vụ án dân sự khác.

Luật sư hỏi tiếp tục hỏi đại diện Bộ GTVT về thiệt hại, về yêu cầu ai bồi thường? Đại diện Bộ nêu lý do là chưa biết tính thiệt hại ra sao nên Bộ GTVT chờ phán quyết của tòa.

Đặc biệt, về vấn đề 725 tỉ đồng thất thoát trong vụ án là ai thiệt, bồi thường ra sao? đã được Luật sư của bị cáo Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng bộ GTVT) hỏi đại diện Bộ Tài chính: Bộ có xác định số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỉ đồng là cao hay thấp hay không?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Bộ đã có văn bản quy định về các chỉ tiêu và các văn bản này đã gửi đến Bộ GTVT. Còn Bộ Tài chính không có thẩm quyền để đánh giá số tiền định giá đó là cao hay thấp. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra không có trao đổi và Bộ cũng không có văn bản nào khẳng định việc định giá như vậy là cao hay thấp.

Q.T

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-dinh-la-thang-ut-troc-phan-bac-cao-buoc-chiem-doat-725-ty-post109538.html