Sau giờ phút chia tay, Anh và EU lại 'đụng độ không khoan nhượng'
Người ta dự đoán một cuộc đụng độ không khoan nhượng trên bàn đàm phán giữa Anh và EU cỉ một thời gian ngắn sau khi chia tay.
Ba ngày kể từ khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, hai bên bắt đầu công bố các ưu tiên về một thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit. Với tầm nhìn khá khác nhau của Anh và Liên minh châu Âu về mối quan hệ trong tương lai, báo hiệu một cuộc đụng độ không khoan nhượng bắt đầu trên bán đàm phán giữa các thành viên, vốn đã là một gia đình trong gần 5 thập kỷ qua.
Cả Anh và Liên minh châu Âu hôm qua đều bày tỏ mong muốn tiến tới một Thỏa thuận thương mại tự do. Phía Anh đã đặt ra hạn chót cuối năm nay và Liên minh châu Âu cảnh báo, nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn một thỏa thuận tham vọng, bao gồm điều khoản thuế quan 0% và hạn ngạch 0%, Anh phải tuân thủ các quy tắc của khối để đảm bảo một cuộc cạnh tranh công bằng.
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu Michel Barnier cho biết: “Chúng ta giờ phải nhất trí các đảm bảo cụ thể và hiệu quả để tạo ra sân chơi công bằng cho dài hạn. Điều đó có nghĩa là phải có những cơ chế để duy trì các tiêu chuẩn cao mà chúng ta có trong các vấn đề xã hội, môi trường, khí hậu, thuế và viện trợ nhà nước hiện nay cũng như sự phát triển trong tương lai”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Johnson khẳng định sẽ không chấp nhận điều kiện đó. Theo ông Johnson, Anh không cần một thỏa thuận thương mại, trong đó bao gồm việc phải chấp nhận các quy tắc của EU trong chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự. Với khẳng định, EU cũng nên chấp nhận các quy tắc của Anh, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh đến một mô hình Thỏa thuận thương mại tự do mà nước Anh mong muốn: “Chúng tôi muốn một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện tương tự giống như của Canada. Tuy nhiên nếu điều đó không thành công, hoạt động thương mại sẽ dựa trên Thỏa thuận Brexit hiện có với EU”.
Theo ông Johnson, nếu EU không cấp một thỏa thuận miễn thuế và hạn ngạch đối với hàng hóa, tương tự như đối với Canađa, thì Anh sẽ theo đuổi một thỏa thuận lỏng lẻo hơn như EU đang đàm phán với Australia. Trong cả hai trường hợp, Thủ tướng Johnson đều tin rằng nước Anh sẽ thịnh vượng và phát triển.
Ngoài vấn đề yêu cầu Anh phải chấp nhận các quy tắc của EU để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, Liên minh châu Âu hôm qua cũng đưa ra điều kiện được cho là gây chia rẽ nhất trong đàm phán. Theo Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu, thỏa thuận thương mại tự do phải bao gồm sự nhất trí về vấn đề đánh cá, qua đó đảm bảo sự tiếp cận thị trường và vùng biển một cách công bằng. Điều kiện thứ hai này là một vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến nhiều nước thành viên. Những nước như Pháp, Đan Mạch có nhu cầu tiếp tục được đánh bắt thủy sản tại các vùng lãnh hải của Anh được cho là dồi dào hải sản. Ngược lại, Anh cũng xuất khẩu 80% thủy hải sản vào Liên minh châu Âu.
Với quan điểm khác biệt của hai bên về một thỏa thuận hậu Brexit dự báo con đường đàm phán 11 tháng trước mắt sẽ thực sự chông gai và chiếc bóng “Brexit không thỏa thuận” vẫn hiện hữu. Liên minh châu Âu hôm qua cho rằng, cần phải chuẩn bị cho tất cả các viễn cảnh nếu các cuộc đàm phán với Anh không thành công. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận với các nước thành viên về khả năng Anh ra khỏi Liên minh châu Âu không thỏa thuận, mặc dù các nước châu Âu sẽ nỗ lực để tránh kịch bản này xảy ra./.