Sau khi cựu Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình tử vong: Ai 'gánh' trách nhiệm bồi thường?
Cách đây ít ngày, ông Nguyễn Văn Điều (53 tuổi), cựu Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình được người dân phát hiện đã tử vong ở gần một nghĩa trang của xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Trước đó, chiều 8/5, tại đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP. Thái Bình) ông Nguyễn Văn Điều điều khiển xe ô tô gây tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương, sau đó lái xe bỏ chạy, bị người dân đuổi theo chặn lại.
Ngày 3/6, Cơ quan CSĐT-CATP Thái Bình đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS 2015.
Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người dân đặt câu hỏi, trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ bồi thường sẽ được tiếp tục giải quyết ra sao khi bị can đã tử vong?
Về trách nhiệm hình sự, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo khoản 1 Điều 230 Bộ luật TTHS 2015, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 (không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết…) của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của BLHS; Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Như vậy, nếu bị can chết trong giai đoạn điều tra thì CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đó. Nếu vụ án chỉ có một bị can mà người này đã chết thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường - Luật sư Tiến Hòa nhấn mạnh.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng…
Trong trường hợp người gây thiệt hại đã chết, theo Điều 615 BLDS 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, trong trường hợp người gây thiệt hại đã chết và có để lại di sản thì sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ..., những người hưởng thừa kế của người gây thiệt hại có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại trong phạm vi di sản để lại - Luật sư Tiến Hòa thông tin thêm.