Sau khi hợp nhất Bộ Xây dựng với Bộ GTVT sẽ còn bao nhiêu đơn vị, đầu mối?
Sáng 4/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng (Bộ mới sau khi hợp nhất Bộ Xây dựng với Bộ GTVT).
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho hay, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã họp, thống nhất nội dung Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng (Dự thảo Nghị định). Theo đó, Dự thảo Nghị định kế thừa 2 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT trước đây.
Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định đầy đủ, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, không bỏ sót nhiệm vụ, nội dung quản lý, không trùng lắp, chồng chéo với các bộ, ngành khác; đảm bảo quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, bổ sung, làm rõ một số chức năng về quy hoạch khu dân cư nông thôn; cấp nước sinh hoạt, thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư nông thôn tập trung nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường BĐS; vật liệu xây dựng; GTVT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng dự kiến có 23 đơn vị, đầu mối trực thuộc (so với 42 đơn vị, đầu mối của 2 Bộ Xây dựng, GTVT trước khi hợp nhất).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của 2 Bộ Xây dựng, GTVT, cùng sự đồng hành của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức bộ máy của Bộ Xây dựng phải khoa học, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, dựa trên vị trí, chức năng, nhiệm vụ đã được giao rất cụ thể trong các quy định pháp luật mới nhất; cập nhật những vấn đề thực tiễn đã có nhưng chưa được quy định trong luật; phân định rạch ròi với các bộ, ngành khác…
Bên cạnh đó, cần nắm chắc tư duy những gì địa phương làm được thì phân cấp, phân quyền tối đa; đồng thời tăng cường năng lực, kiện toàn các cục, vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực, hoạt động mà địa phương chưa làm được, hoặc mang tính đặc thù của ngành xây dựng, GTVT như thực hiện rất nhiều dự án đầu tư xây dựng quan trọng… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thể hiện nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thể hiện trong mọi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét để có thể ban hành và có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội ra nghị quyết quyết định thành lập Bộ Xây dựng (Bộ mới sau khi hợp nhất Bộ Xây dựng với Bộ GTVT).