Sau khi kéo quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ giờ trông sang Libya

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa nói ý rằng ông đã sẵn sàng đưa quân vào Libya để hỗ trợ chính phủ ở Tripoli.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hồi tháng 10 năm nay. (Ảnh: Xinhua)

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hồi tháng 10 năm nay. (Ảnh: Xinhua)

Ông Erdogan có chuyến thăm bất ngờ đến Tunisia hôm 25/12 để cùng Tổng thống Kais Saied thảo luận các bước đi nhằm tiến tới dừng bắn ở Libya và quay lại đối thoại chính trị.

Cuộc khủng hoảng Libya đang ảnh hưởng đến các nước láng giềng, đặc biệt là Tunisia, ông Erdogan nói.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các thỏa thuận gần đây với chính phủ của Thủ tướng Libya Fayez Al-Sarraj nên được coi là “điềm báo về những bước đi sắp tới của chúng tôi”.

Cuộc chiến ở quốc gia giàu tài nguyên dầu khí Libya đang đe dọa sẽ đẩy quốc gia Bắc Phi này vào bạo lực như hồi diễn ra cuộc xung đột năm 2011, khiến nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi chết trong đau đớn và khổ nhục.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đối thoại với Libya về khả năng đưa quân vào hỗ trợ chính phủ nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng do cựu tư lệnh quân đội Khalifa Hifter cầm đầu. Ông Erdogan nói rằng ông Hifter không có vai trò hợp pháp nào.

“Nếu có một lời mời, tất nhiên chúng tôi sẽ đánh giá nó”, ông Erdogan nói trong cuộc họp báo chung với ông Saied, tổng thống mới của Tunisia.

Phát biểu của ông Erdogan cho thấy sự ủng hộ gia tăng đối với chính phủ ở Tripoli khi đang phải đối mặt với một cuộc tấn công do ông Hifter dẫn đầu nhằm giành lấy thủ đô của Libya.

Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ ở Tripoli cũng nhận được sự hậu thuẫn của Italy và Qatar, ngoài ra còn có Pháp, Nga, Jordan, UAE và các quốc gia Ả-rập quan trọng khác.

Ông Erdogan nói rằng lực lượng đánh thuê ở Libya bao gồm 5.000 tay súng từ Sudan và 2.000 tay súng của Wagner, nhóm thuộc quyền chỉ đạo của một người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga phủ nhận đang đưa quân lính đến chiến đấu ở Libya và nói rằng họ rất quan ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang hợp tác để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc chiến kéo dài suốt 8 năm qua ở Syria, dù họ đang ủng hộ hai bên đối lập nhau. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng có quan hệ hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng và thương mại.

Chuyến thăm Tunisia của ông Erdogan diễn ra sau 2 thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đạt được với chính phủ Libya, bao gồm việc kiểm soát thủ đô Tripoli.

Thỏa thuận quân sự được ký thành luật từ tuần trước cho phép Thổ Nhĩ Kỳ phái chuyên gia quân sự và quân nhân cùng vũ khí đến, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc đang bị vi phạm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa máy bay không người lái đến hỗ trợ chính phủ Libya đối phó với lực lượng của ông Hifter.

Tripoli gần đây ký thỏa thuận hợp tác trên biển với Ankara, giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng kiểm soát ra một khu vực rộng lớn trên Địa Trung Hải.

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt lớn ở khu vực phía đông Địa Trung Hải khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với các nước tiếp giáp biển này gồm Hy Lạp, Ai Cập, Israel và đảo Síp.

Liên minh châu Âu dọa sẽ trừng phạt Ankara vì chuyện khoan trái phép ở vùng biển ngoài khởi Síp, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thỏa thuận đạt được với Tripoli sẽ giúp hợp pháp hóa dự án khai thác của họ.

Chiếm phần phía bắc của đảo Síp từ năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đưa máy bay không người lái quân sự ra đảo này và cảnh báo sẽ ngăn chặn mọi hoạt động khai thác khí đốt nếu Síp không chấp thuận.

Giới phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ký được thỏa thuận với Libya sẽ giúp Ankara đặt cả Hy Lạp và Síp vào thế bị đe dọa, rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hành động rắn để đạt được thỏa thuận hoặc dọn đường cho hoạt động đơn phương của họ trên khu vực tranh chấp từ lâu.

Không chỉ vậy, bước đi này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến quan hệ của họ với EU thêm căng thẳng, bồi đắp thêm mâu thuẫn giữa hai bên trong chính sách nhập cư và gia tăng hoài nghi về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Ai Cập hục hặc với Thổ Nhĩ Kỳ từ khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Mursi năm 2013. Nhiều người ủng hộ lực lượng Anh em Hồi giáo của ông Mursi giờ đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Libya, Ai Cập thân thiết với ông Hifter hơn, nghĩa là Cairo và Ankara đang ở hai bên đối lập trong tranh chấp biển.

Israel thận trọng hơn trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ - Libya. Giới phân tích cho rằng một lý do là nếu đường ống dẫn khí đốt Israel – Síp – Hy Lạp – Italia không khả thi, Israel có thể sẽ phải tìm cách xuất khẩu khí đốt qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn ở Syria, hai bên vẫn hợp tác trong chính sách năng lượng. Và Mátxcơva rất muốn Thổ Nhĩ Kỳ trung chuyển năng lượng.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Libya trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng tới.

Bình Giang

theo AP, Reuters, Bloomberg

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/sau-khi-keo-quan-vao-syria-tho-nhi-ky-gio-trong-sang-libya-1502519.tpo