Sau khi về hưu, 1 quyết định sai lầm khiến những năm sau này của tôi trở nên khốn đốn
Với số tiền tiết kiệm tích lũy nửa đời trước, cộng thêm lương hưu ổn định, tôi cứ tưởng rằng nửa đời còn lại sẽ trôi qua trong bình yên, thanh thản.
Sau khi hết tuổi lao động, có một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng từ lương hưu, dù ít dù nhiều, đều sẽ giúp nhiều người thêm an tâm cho giai đoạn tuổi xế chiều. Tuy nhiên, không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra như ý muốn. Có không ít người vẫn phải xoay sở với cuộc sống nghỉ hưu, chỉ vì một quyết định sai lầm.
Đây chính xác là trường hợp của ông Zhang Aojun, 69 tuổi, tại Trung Quốc. Ông và vợ (68 tuổi) vốn là nhân viên đã về hưu của một doanh nghiệp, đều có lương hưu. Họ đáng nhẽ đã có tuổi già sung túc, đi du lịch và ăn uống khắp nơi, tận hưởng những lạc thú mà bao người trẻ tuổi ghen tị. Nhưng thực tế, hai vợ chồng lại sống cảnh “khốn đốn” trong những năm cuối đời.
Tại sao lại có tình trạng như vậy? Ông Zhang Aojun cho rằng, đây là hậu quả của một quyết định sai lầm mà ông đưa ra khi vừa nghỉ hưu.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Zhang Aojun:
Tôi và vợ đều là người lao động đã về hưu. Nhờ biết tích góp, chúng tôi đã mua nhà, mua xe từ khi còn trẻ, sau đó dự định an hưởng tuổi già với khoản lương hưu vừa đủ (9.000 NDT cho cả 2 vợ chồng).
(Ảnh minh họa: Sohu)
Chúng tôi không còn phải lo lắng về cuộc sống, mà tận hưởng mọi thứ khá hạnh phúc. Cuộc sống tuy giản dị nhưng đời sống tinh thần thì mãn nguyện.
Cả hai đã bàn nhau dự định chuyển về sống ở quê, sử dụng khoản tiền tiết kiệm 300.000 NDT và tiền trợ cấp để sinh hoạt hàng ngày và đi du lịch khắp đất nước một lần.
Thế nhưng sau khi nghỉ hưu, chúng tôi đã đưa ra một quyết định sai lầm.
Mọi thứ bắt đầu từ thời điểm con trai tôi chuẩn bị cầu hôn bạn gái và muốn cha mẹ giúp đỡ để mua một chiếc xe hơi. Thế là chúng tôi đưa cho con trai khoảng 100.000 NDT. Khi đã cầu hôn thành công, chúng tôi cũng cho con thêm 50.000 NDT để tổ chức tiệc cưới.
Thành gia rồi ắt phải lập nghiệp, con tôi nỗ lực làm việc chăm chỉ để cáng đáng gia đình. Là đứa hiếu thảo, dù bận rộn nhưng con vẫn thường xuyên gọi điện cho chúng tôi và nhấn mạnh rằng sẽ chăm lo cha mẹ lúc tuổi già, không bỏ mặc lúc ốm đau, luôn ở bên nhau như một gia đình.
“Cha mẹ cũng nên lên thành phố lớn, ngắm nhìn cuộc sống hiện đại một lần trong đời chứ”, con tôi đã nói.
Cảm động trước những lời nói đó, vợ chồng tôi quyết định về sống chung với gia đình con.
Trong thời gian con dâu ở cữ, hai đứa nhờ chúng tôi đỡ đần việc nhà. Cả hai vợ chồng đều đồng ý, nghĩ đó là việc nên làm. Sau khi con dâu hết cữ thì đi làm trở lại, công việc nhà vẫn do chúng tôi lo liệu, cộng thêm cả việc chăm cháu. Vào cuối tuần, khi công việc rảnh rỗi, nếu không phải chăm sóc con nhỏ, con dâu cũng sẽ làm thay để hai vợ chồng cùng nhau ra công viên tản bộ, nhảy quảng trường.
Cứ thế, chúng tôi sống ở đây đã 5-6 năm. Cháu trai cũng đến tuổi đi nhà trẻ, tôi đảm nhận thêm công việc đưa đón cháu tới trường.
(Ảnh minh họa: istock)
Vốn dĩ cuộc sống này cũng tạm ổn, vì vợ chồng tôi có khoản lương hưu tương đối, nhưng không ngờ con trai lại có ý định muốn mua một căn nhà to hơn, để cả gia đình sinh sống một cách thoải mái.
Cảm thấy chưa cần thiết, ban đầu chúng tôi cũng phản đối. Nhưng sau đó, nghe các con bảo muốn cho cháu học trường quốc tế, học phí đắt đỏ nhưng chất lượng rất tốt, cơ hội việc làm sau này cũng cao hơn. Ngôi nhà mới cũng nằm cạnh trường, thuận tiện cho việc học hành.
Thương con, thương cháu, chúng tôi lại bàn với nhau sẽ bán căn nhà cũ ở quê, gộp cả tiền tiết kiệm để chi trả một phần khoản vay mua nhà.
Lúc này, vợ chồng tôi chỉ còn lại lương hưu và một khoản tiết kiệm ít ỏi.
Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của đời người mà bất kỳ ai cũng phải trải qua. Mọi người sinh ra rồi sẽ lớn lên và trưởng thành, sau đó về già gặp những ốm đau, bệnh tật. Ở tuổi 64, tôi cũng bắt đầu đến giai đoạn này.
Đi khám bác sĩ, tôi phát hiện mình bị viêm khớp dạng thấp, đau nhức xương, đi lại khó khăn và phải ngừng làm việc nhà. Khi trời mưa gió, đầu gối càng nhức hơn. Tôi thường trằn trọc cả đêm, ngồi không nổi, nằm không yên.
Thuốc thang Đông y hay Tây y cũng đủ cả. Những khoản tiết kiệm và phần lớn lương hưu đều đổ vào đó.
Hai vợ chồng già không còn tiền chi tiêu sinh hoạt riêng, lại thêm bệnh tật đau ốm. Mặc dù các con, các cháu đều không thể hiện bất cứ thái độ gì, vẫn rất tận tâm lo lắng nhưng chính chúng tôi cảm thấy mình bỗng trở thành “gánh nặng”, như người “ăn nhờ ở đậu” trong ngôi nhà này.
(Ảnh minh họa: Sohu)
Sử dụng các loại thuốc Đông y nhiều, cộng thêm cả thuốc xoa bóp, người tôi lúc nào cũng có “mùi” như một bệnh nhân. Cháu trai còn nhỏ, nhạy cảm với mùi nên cũng không còn thường xuyên thân thiết hay gần gũi ông bà nữa. Dần dần, tôi chỉ ở trong phòng riêng, đóng kín cửa chứ không muốn ra ngoài.
Tới bây giờ, tôi thỉnh thoảng lại nghĩ tới dự định về quê an hưởng tuổi già. Dù chỉ có hai vợ chồng già tự lo cho nhau, nhưng sinh hoạt ở quê rất rẻ, còn có hàng xóm láng giềng, thể nào cũng vui thú hơn việc nhốt mình trong 4 bức tường ở thành phố.
Nhưng tôi cũng chợt nhớ ra, nhà cũ đã bán, chúng tôi trở về quê hương thì phải sống ở đâu?
Mỗi một sự việc trong đời đều giống như những quân domino. Khi bắt đầu, chúng ta sẽ khó có thể lường trước toàn bộ hệ quả. Chỉ đến khi một quân đổ xuống, kéo theo tất cả phía sau sụp theo, chúng ta mới nuối tiếc vì mình đã đưa ra các quyết định quá tùy tiện.
Tôi không trách con cái, vì muốn bố mẹ ở gần, chăm sóc bố mẹ là việc hiếu thảo, đương nhiên.
Tôi cũng không hối hận việc bán nhà, vì điều đó giúp cuộc sống của con cháu được khấm khá, đàng hoàng hơn trong tương lai.
Tôi chỉ nuối tiếc vì mình chi tiêu không có kế hoạch. Có lẽ, nếu suy nghĩ kỹ càng hơn, chúng tôi sẽ tìm ra những giải pháp vẹn cả đôi đường, chứ không rơi vào cảnh tù túng như hiện nay.
Nguồn: Sohu